'Cán bộ phải biết sợ, nhưng sợ đến mức không dám làm thì cần điều chỉnh'
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu, cán bộ không sợ sai mới là lạ, phải biết sợ nhưng sợ đến mức không dám làm thì cần phải điều chỉnh thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật.
Trong phiên thảo luận tại tổ về kết quả và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội đã có những phân tích, đề xuất để khắc phục những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế; hướng đến mục tiêu ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao đời sống người dân.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) cho rằng, hiện nay tiếp cận tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Thực trạng này sẽ còn tiếp diễn vì hiện nay các nguồn vốn cho vay bất động sản đã đến kỳ trả nợ nhưng các giao dịch bất động sản gần như đóng băng. Do đó, đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp cụ thể xử lý nợ xấu để bảo đảm tăng trưởng vĩ mô, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn giải pháp cho tình trạng này.
Theo đại biểu Hà Quốc Trị (Đoàn Khánh Hòa), cần phân tích sâu hơn và làm rõ những điểm hạn chế của nền kinh tế, nhất là vấn đề tỷ lệ đầu tư tư nhân sụt giảm, chỉ bằng 1/6 so với giai đoạn trước đại dịch. "Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tín dụng tăng trưởng thấp. Dù trung ương đã đề ra những chính sách rất thông thoáng về tài chính, tiền tệ để thúc đẩy đầu tư nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo các điều kiện đi kèm", đại biểu nhận định.
Cùng với đó, tình trạng này cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là các quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh còn chậm trong lập, phê duyệt, triển khai; gây tắc nghẽn trong vấn đề liên quan đến đất đai, làm ảnh hướng đến việc đầu tư tư nhân.
Về lĩnh vực du lịch, đại biểu phản ánh, tuy chủ trương từ trung ương rất thông thoáng, nhưng thực tế tại địa phương, ở một số cửa khẩu, thủ tục nhập cảnh còn rất khó khăn, rườm rà, chậm chạp, gây khó khăn cho việc thu hút khách du lịch. Nếu không có các cải cách mạnh mẽ và triệt để trong tiết giảm thủ tục hành chính thì sẽ còn nhiều cản trở trong việc phục hồi, phát triển du lịch.
Đại biểu Hà Quốc Trị kiến nghị, ở lĩnh vực tài chính cũng như trong lĩnh vực quản lý du lịch, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần quán triệt đường lối, chủ trương từ trung ương để kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn một cách cụ thể, tường minh. Đại biểu cũng đề nghị các cơ quan khẩn trương trong công tác quy hoạch để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, sớm tạo các điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư tham gia mở rộng kinh doanh, sản xuất.
GS.TS Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, trong năm 2023, tình trạng đình trệ, chậm tăng trưởng trong khu vực kinh tế, doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần được xem xét. Nguồn vốn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gần như bị bão hòa, nếu không có giải pháp kịp thời thì có thể nền kinh tế sẽ trì trệ, vì Việt Nam đang chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới.
Đại biểu đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ đã đề ra; đồng thời đề nghị cần thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa, như tiếp tục giảm thuế VAT 2%, giảm thuế, giảm tiền thuê đất... "Đầu tư công đến lúc thay đổi và cần chính sách mới như đặt hàng cho các tập đoàn kinh tế lớn để đẩy nhanh tốc độ như chính sách đặt hàng công nghiệp đường sắt", ông Cường nêu ý kiến.
Đại biểu Bùi Minh Châu – Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nhận định, sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam không nằm ngoài bối cảnh chung của thế giới, vì vậy kết quả đạt được đã là điều tích cực và đáng ghi nhận.
Về những tồn tại, vướng mắc, đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân, có vấn đề kéo dài, có vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên theo ông, các vướng mắc khó có thể xử lý trong một sớm một chiều vì liên quan đến thể chế, quy định pháp luật.
Như trong đầu tư công, ông Châu cho rằng tất cả các địa phương, bộ ngành đều mong muốn giải ngân nhanh, nhưng vướng mắc do trình tự, thủ tục. Từ khi có ý tưởng đến thực hiện là cả quá trình dài, qua tất cả các khâu, liên quan đến giải phóng mặt bằng, thẩm định, đền bù, đấu giá đấu thầu, đất rừng... không thể làm tắt được.
Vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước nên bắt buộc phải qua quy trình chặt chẽ, nhất là trong giai đoạn thanh tra, kiểm tra, xét xử các vụ án... được đẩy mạnh, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ.
Cán bộ không sợ sai mới là lạ, phải biết sợ nhưng sợ đến mức không dám làm thì cần phải điều chỉnh thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật. Là người đứng đầu địa phương, chúng tôi cũng rất mong muốn làm nhanh, làm tốt nhưng khi làm phải thông qua thường trực, hội đồng...; các quy định phải đảm bảo.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu
Nhận định về tình hình kinh tế từ nay đến 2025, đại biểu Bùi Minh Châu đánh giá khó khăn còn nhiều. Ông cho rằng công tác tuyên truyền phải cân bằng hơn, để người dân hiểu và chia sẻ, cùng đồng thuận, đồng tình. “Hầu hết các đại biểu, các địa phương không ai nghĩ làm sao để tăng trưởng cao, thu ngân sách nhiều, chỉ đề nghị dự án này, công trình kia còn thiếu... Quan trọng là phải cùng nhau nghĩ cách để làm ra tiền”.
Theo đại biểu, "để làm ra tiền" thì phải làm sao để huy động tối đa nguồn lực, niềm tin của nhà đầu tư. Đã một thời gian dài, doanh nghiệp Nhà nước không có dự án nào mới, không có năng lực sản xuất mới; nhà đầu tư tư nhân cũng không dám đầu tư nhiều. "Nếu không có nội lực mà chỉ phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài thì rất khó tăng trưởng lâu bền", ông Châu nhận định.