Cần bộ quy chuẩn và khung kỹ thuật cho các dự án đường sắt đô thị
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng các vấn đề về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị là một trong những khó khăn rất lớn đối với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và cần thiết phải có bộ quy chuẩn và khung kỹ thuật cho các dự án đường sắt đô thị.
Tại phiên thứ 4, Hội thảo phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sáng 19/1 với chuyên đề: Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Đương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch GTVT Thủ đô sẽ có 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 417,8km, trong đó 75,6km đi ngầm.
Tuy nhiên hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km của tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, và đang triển khai thi công 12,5km tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
Từ khi tuyến ĐSĐT số 2A đi vào khai thác vận hành, được toàn thể nhân dân thành phố Hà Nội chào đón và sử dụng với tần suất cao, bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt khai thác.
Sắp tới UBND thành phố Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, cũng như TP. Hồ Chí Minh sắp đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Bến Thành – Suối Tiên.
Thực tế quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án đường sắt đô thị của Hà Nội đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Một trong những nguyên nhân chính là Chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp không ít vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn cả trong và ngoài nước, cũng như khó khăn trong công tác quản lý dự án đường sắt đô thị.
Đặc biệt mỗi dự án sử dụng các công nghệ của các nước khác nhau thì áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn cũng khác nhau, những khó khăn trong công tác quản lý dự án.
Ông Dương Đức Tuấn cho rằng, để đúc rút kinh nghiệm cho việc đầu tư hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn hai thành phố lớn nhất cả nước, chúng tôi tổ chức hội thảo với sự tham gia của các đại diện cơ quan Trung ương, chuyên gia trong nước và quốc tế, để lắng nghe những ý kiến đóng góp về kinh nghiệm áp dụng hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực ĐSĐT”.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn lắng nghe các ý kiến góp ý về các chính sách sách ưu tiên, ưu đãi cho phát triển thị trường, các cơ sở công nghiệp đường sắt đô thị, công nghiệp phụ trợ cho đường sắt đô thị; cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nhà thầu nước ngoài; mô hình tổ chức quản lý và thực hiện đối với các dự án tương tự đã triển khai tại những nước phát triển”, ông Tuấn nói.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng mong muốn hội thảo chuyên đề này sẽ là cơ hội tốt cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ĐSĐT cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, bài học, ý tưởng về xây dựng, phát triển ĐSĐT nói riêng, giao thông đô thị nói chung.
“Hội thảo hôm này còn là một dịp quan trọng để các đơn vị tham dự tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau tạo nền tảng để xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong thời gian sắp tới. Với tinh thần đó, thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo chuyên đề “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ
Gỡ khó giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh đường sắt đô thị
Nêu thực tế công tác GPMB để thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội hiện nay, GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết, hầu hết bị chậm và không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là các hạng mục thi công bị chậm bàn giao mặt bằng nhiều năm, dẫn đến nhà thầu, trong đó có nhà thầu nước ngoài huy động nhân công, máy móc đến rồi phải “nằm” chờ.
Theo GS Võ, lâu nay công tác GPMB các dự án lớn vẫn làm theo quy trình “5 bước” (trong đó có lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai đầu tư, GPMB…), dự án lớn, trọng điểm nhưng chưa có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ.
“Trong số này có các dự án đường sắt đô thị đang được UBND thành phố Hà Nội triển khai. Cũng do chậm giao mặt bằng theo hợp đồng vừa qua một dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đã bị nhà thầu nước ngoài phạt tiến độ, thậm chí phạt nặng đến 2 lần là rất đáng tiếc”, ông Võ nói.
Một số chuyên gia quy hoạch đánh giá, kinh phí đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị rất lớn và đều phải vay ODA, tuy nhiên do chậm trễ trong công tác GPMB nên ngoài bị chậm tiến độ, vỡ kế hoạch vận hành, các dự án đường sắt đô thị Hà Nội hiện nay còn đội vốn từ 50 - 80%, gây thiệt hại lớn cho ngân sách và hạ tầng giao thông.
Luật sư Lê Nết, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) nêu ý kiến, việc giảm thiểu rủi ro trong quá trình quản lý GPMB của dự án đường sắt đô thị đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý, đặc biệt là giữa Ban QLDA và chính quyền địa phương. Cùng với đó là sự chỉ đạo sâu sát kịp thời của chính quyền thành phố.