Cán bộ sau sáp nhập tỉnh được đề xuất bảo lưu lương

Bộ Nội vụ đề xuất áp dụng cơ chế bảo lưu chế độ, tiền lương, phụ cấp chức vụ trong 6 tháng cho cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng của sáp nhập tỉnh, xã.

Tại dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính do Bộ Nội vụ soạn thảo, Bộ Nội vụ đề xuất bảo lưu chế độ, tiền lương và phụ cấp chức vụ trong 6 tháng cho cán bộ, công chức, viên chức từ đơn vị hành chính cũ sang làm việc tại các tỉnh, xã sau sáp nhập. Sau 6 tháng bảo lưu, cán bộ sẽ hưởng chế độ theo quy định.

Bộ Nội vụ cũng đề nghị UBND cấp tỉnh dựa trên quy định của Chính phủ để triển khai chính sách tinh giản biên chế cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan sau sáp nhập, bảo đảm quyền lợi của những người chịu tác động.

Các chế độ, chính sách đặc thù theo vùng, khu vực hoặc áp dụng riêng cho từng đơn vị hành chính sẽ được giữ nguyên phạm vi và cách thức áp dụng như hiện nay. Sau khi sáp nhập ổn định, Chính phủ sẽ rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm sắp xếp nhân sự sau sáp nhập, đảm bảo tinh giản biên chế đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tế địa phương.

Bộ Nội vụ đề xuất bảo lưu chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ trong vòng 6 tháng khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh minh họa

Bộ Nội vụ đề xuất bảo lưu chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ trong vòng 6 tháng khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh minh họa

Số lượng biên chế cấp tỉnh mới không vượt quá tổng số hiện có của các đơn vị cũ. Tương tự, biên chế cấp xã mới không vượt quá tổng số của các đơn vị cũ cộng thêm cán bộ huyện được điều động.

Số lượng lãnh đạo cấp tỉnh mới không vượt quá tổng số lãnh đạo của các đơn vị cũ. Số lãnh đạo cấp xã sẽ theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Trong vòng 5 năm, số lượng lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức phải được đưa về đúng quy định.

Tại dự thảo này, Bộ Nội vụ cũng đề cập đến việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Theo đó, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mà làm thay đổi tên gọi, địa giới đơn vị hành chính cấp xã, phạm vi thôn, tổ dân phố thì việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù được thực hiện theo hai phương án.

Người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù như thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực hoặc theo vùng như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

Dự thảo cũng nêu rõ, đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thôn, tổ dân phố có thay đổi tên gọi sau khi thực hiện sắp xếp thì sử dụng tên gọi mới của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thôn, tổ dân phố để tiếp tục tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-bo-sau-sap-nhap-tinh-duoc-de-xuat-bao-luu-luong-380082.html