Cán bộ sợ sai sót đã làm giảm hiệu quả của các chính sách tài khóa
Trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách tài khóa, giảm thuế, miễn thuế, hỗ trợ doanh nghiệp và cả nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng.
Liều lượng chính sách tài khóa còn hạn chế
Trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách tài khóa, giảm thuế, miễn thuế, hỗ trợ doanh nghiệp và cả nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng.
Trong đó, Chính phủ đã đồng ý gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021; miễn, giảm thuế, tiền chậm nộp trong năm 2021 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ và cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm ngành dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, chiếu phim, thể thao, giải trí,...
Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cũng như phòng chống dịch bệnh lên đến khoảng 200.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Chính phủ cũng cũng đồng ý giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021; miễn, giảm 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021; cho tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp…
Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cũng như phòng chống dịch bệnh lên đến khoảng 200.000 tỷ đồng. Riêng Nghị định số 52 đã giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp khoảng 115.000 tỷ đồng; Nghị định 92 giảm khoảng 21.300 tỷ đồng. Quỹ Vắc – xin phòng Covid-19 đã huy động được gần 9.000 tỷ đồng.
Đánh giá các chính sách tài khóa, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho rằng, các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu.
Đồng thời, liều lượng chính sách còn hạn chế và số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải.
Đại diện NEU nhấn mạnh rằng, thủ tục để nhận hỗ trợ chính sách còn rườm rà, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận của người dân và doanh nghiệp.
Các văn bản hướng dẫn còn tương đối rắc rối, thiếu tính khả thi. Quy trình thực thi chính sách vẫn đặt nặng vào khâu sàng lọc đối tượng thụ hưởng chính sách ngay từ ban đầu nên mất khá nhiều thời gian trong việc thực thi chính sách.
“Các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trực tiếp chưa nắm rõ tinh thần của các văn bản chính sách, một phần là do các quy định chưa đủ rõ ràng, một phần là do sợ trách nhiệm của cán bộ nếu xảy ra sai sót, hỗ trợ sai đối tượng và một phần là do sự thiếu hiệu quả của bộ máy hành chính”, đại diện NEU nhận xét.
Ngoài ra, các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay tập trung chủ yếu vào miễn, giảm, gia hạn thuế; miễn giảm, các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất. Các gói chính sách này có tác dụng hỗ trợ chi phí, giảm áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi lực cầu trong nền kinh tế còn yếu, cùng với đó là việc doanh nghiệp phải tiêu tốn chi phí không nhỏ để đảm bảo phòng chống dịch, thì tác động của các chính sách này tới sự hồi phục của nền kinh tế là hạn chế.
“Tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương không hoàn toàn xuất phát từ lý do dịch bệnh”, đại diện NEU nêu.
Khuyến nghị khẩn trương có chính sách hỗ trợ người lao động di cư
Trước một số điểm hạn chế nêu trên, đại diện NEU đã có 9 khuyến nghị nhằm tăng hiệu quả các chính sách tài khóa, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt dịch, phục hồi kinh tế.
Thứ nhất, đại điện NEU khuyến nghị Chính phủ ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách hỗ trợ người lao động di cư phải thuê nhà nhằm tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung lao động khi trở lại trạng thái bình thường mới.
Đại điện NEU khuyến nghị Chính phủ ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách hỗ trợ người lao động di cư phải thuê nhà.
“Cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với đối tượng người lao động di cư không có đăng ký và người lao động tự do trong khu vực phi chính thức. Bổ sung các hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn ngân sách cho các đối tượng dễ tổn thương, người cao tuổi, trẻ em, người yếu thế,...” PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết.
Thứ hai, đại diện NEU đề nghị Chính phủ ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách nhằm hỗ trợ các chi phí phòng dịch, các chi phí tái tổ chức hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ban hành hướng dẫn các doanh nghiệp hạch toán chi phí phòng chống dịch, tái tổ chức sản xuất vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, trong giai đoạn phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, tập trung hơn vào các doanh nghiệp quy mô lớn, có ảnh hưởng lan tỏa quan trọng đến các khu vực khác trong nền kinh tế.
“Điều này tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Không hỗ trợ dàn trải, bình quân, liều lượng hỗ trợ thấp. Đồng thời dư địa chính sách cũng không cho phép thực hiện bao phủ quá nhiều đối tượng”, ông Chương chia sẻ.
Thứ tư, gia tăng liều lượng, thời gian hỗ trợ đối với các gói chính sách hiện tại về chậm nộp, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, tiền điện, bảo hiểm xã hội,....
Thứ năm, ban hành và thực thi các chính sách nhằm bình ổn giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Thứ sáu, phối hợp với các chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo dòng tiền, khả năng thanh khoản của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu tàu.
Thứ bảy, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia. Tập trung tháo gỡ các nút thắt về thể chế và giải phóng mặt bằng trong thực hiện các dự án này. Việc bố trí vốn cần đảm bảo tính tập trung để thực hiện dứt điểm từng dự án.
Thứ tám, đẩy mạnh ứng dụng và nhanh chóng cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong triển khai các gói chính sách hỗ trợ.
Thứ chín, tập trung cải thiện hiệu quả của công tác tuyên truyền và thực thi đối với các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành. Các quy trình, giai đoạn thẩm định cần được đơn giản hóa hết mức, đặc biệt là đối với người dân, nhưng tập trung vào giai đoạn hậu kiểm và các chế tài xử phạt đối với các hành vi trục lợi chính sách.