Cần bổ sung chế tài với trường hợp chậm hoặc không thực hiện kết luận giám sát

Sáng 16/7, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội tổ chức Hội nghị về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sửa đổi, các quy định về giám sát của HĐND.

Theo dự thảo, giám sát của Quốc hội và HĐND là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Các đại biểu cho rằng cần xem xét đầy đủ hơn và cân nhắc khái niệm này.

Toàn cảnh Hội nghị về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sửa đổi, các quy định về giám sát của Hội đồng nhân dân

Toàn cảnh Hội nghị về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sửa đổi, các quy định về giám sát của Hội đồng nhân dân

Ông Trần Minh Khương, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phân tích: Nội dung giống nhau, cũng là hoạt động xem xét, theo dõi, đánh giá nhưng mục đích của kiểm soát quyền lực khác với mục đích của hoạt động giám sát.

Mục đích của kiểm soát quyền lực để ngăn chặn, kiểm soát việc cơ quan và cấp có thẩm quyền không được làm trong thực thi quyền hạn và trách nhiệm được giao của mình.

Trong khi đó mục tiêu của giám sát là nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước và hoàn thiện chính sách pháp luật và xử lý vi phạm.

Vấn đề hiệu lực, hiệu quả giám sát cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo tiến sỹ Lê Thị Tươi, Học viện Hành chính và Quản trị công, cần bổ sung chế tài đối với những trường hợp chậm hoặc không thực hiện kết luận giám sát.

"Cần bổ sung thêm rõ hơn về trách nhiệm, cụ thể hóa các biện pháp chế tài đối với việc chậm và không thực hiện các ý kiến, kết luận giám sát của Quốc hội và HĐND cũng như các cơ quan Quốc hội, HĐND; bổ sung thêm chế tài xử lý người đứng đầu để xảy ra sai phạm trong hoạt động giám sát", bà Tươi đề xuất.

Cùng chung băn khoăn này, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long nhận định dự thảo quy định cần nghiêm túc thực hiện các kiến nghị giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.

"Cái này không rõ bắt buộc hay không. Nếu không bắt buộc thì cơ quan chịu sự giám sát phản hồi rất ít. Tôi đồng tình ý kiến có thể thiết kế lại là một dạng bắt buộc", vị đại biểu Quốc hội nêu ý kiến.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (giữa) dự hội nghị

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (giữa) dự hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, luật này từ việc sửa đổi một số điều thành sửa đổi toàn diện, trên tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, có vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh kiện toàn bộ máy hệ thống chính trị và trước yêu cầu giai đoạn phát triển mới.

Một số nghị quyết của Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu là làm rõ phạm vi đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của HĐND, nâng cao chất lượng hoạt động giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và giám sát khiếu nại, tố cáo. Do đó phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm của Đảng.

Vân Hồng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/can-bo-sung-che-tai-voi-truong-hop-cham-hoac-khong-thuc-hien-ket-luan-giam-sat-post1215084.vov