Cần bổ sung khoản 'Giao đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang'

Đó là đề nghị của đại biểu Trần Đức Thuận thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An khi góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đại biểu, đây là chủ trương lớn cần được thể chế vào dự thảo, nhằm làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ và gắn bó lâu dài trong lực lượng vũ trang nhân dân...

Tạo tính thống nhất và đồng bộ giữa các luật

Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại tố cáo vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng;…

Đi vào các nội dung của dự thảo luật, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng: Các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (tại điều 52 và điều 53 của dự thảo luật), đã khẳng định tính nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức nước ngoài khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời, các quy định này còn tạo tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và pháp luật về đất đai…

Đại biểu Trần Đức Thuận phát biểu

Đại biểu Trần Đức Thuận phát biểu

Theo đại biểu Trần Đức Thuận, cần có quy định cụ thể về các điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam nhằm bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời, khắc phục một số vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn khi nhà đầu tư nước ngoài đã xây dựng công trình và sử dụng đất ở những khu vực nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, như: ven biển, biên giới, địa bàn trọng yếu… “Đồng thời, việc có các quy định về điều kiện cụ thể đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam còn góp phần minh bạch về thủ tục hành chính; tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng tham gia ý kiến trong quá trình thẩm định dự án của Nhà đầu tư nước ngoài”, ông Thuận nhấn mạnh.

Bày tỏ tán thành với nội dung quy định tại điều 87 của dự thảo luật về “Căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh”, song đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị: Để tránh việc áp dụng máy móc và tránh việc hiểu nhầm “khi có dự án thì mới được thu hồi đất” dẫn đến khó bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong trường hợp cần thiết… thì cần chỉnh 1ý lại nội dung khoản 1, điều 87 như sau: “Các trường hợp thu hồi đất quy định tại điều 85 và dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại điều 86 của Luật này”.

Đồng thời, nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc áp dụng trong trường hợp đất chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng - an ninh nhưng cần phải thu hồi để thực hiện ngay cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Theo đó, đề xuất bổ sung thêm một khoản tại điều 87 như sau:“Trường hợp cần phải thu hồi để thực hiện ngay cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, nhưng chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng - an ninh thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thống nhất với UBND cấp tỉnh (nơi có đất thu hồi), xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và bổ sung vào quy hoạch”.

Làm cơ sở hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang

Đại biểu Trần Đức Thuận và đại biểu Đặng Xuân Phương (Đoàn Nghệ An) dự phiên thảo luận tổ

Đại biểu Trần Đức Thuận và đại biểu Đặng Xuân Phương (Đoàn Nghệ An) dự phiên thảo luận tổ

Về các trường hợp “giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất” quy định tại điều 134, đại biểu đến từ Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản quy định “Giao đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang” để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Nhà ở... “Đây là chủ trương lớn cần được thể chế vào dự thảo Luật này, nhằm làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ và gắn bó lâu dài trong lực lượng vũ trang nhân dân”, Thiếu tướng Trần Đức Thuận nhấn mạnh.

Lý giải thêm nội dung này, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng: Đây là vấn đề có liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến chế độ chung cho cán bộ, nhân viên và người lao động đang công tác trong Bộ Quốc phòng nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung. Bởi, trong Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đều quy định trách nhiệm bảo đảm nhà ở cho các đối tượng này…

“Hiện nay, pháp luật đất đai hiện hành quy định phải chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất khi thực hiện các dự án nhà ở thương mại (bao gồm cả dự án nhà ở cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng). Do đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không có cơ sở để bảo đảm quỹ đất khi làm các dự án nhà ở cho cán bộ của lực lượng vũ trang”, ĐBQH Trần Đức Thuận nhấn mạnh.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/can-bo-sung-khoan-giao-dat-de-phat-trien-nha-o-cho-luc-luong-vu-trang-i305917/