CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại Phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là quy định về người làm công tác xã hội tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Các ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể vị trí, vai trò của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên để đảm bảo đầy đủ và phù hợp hơn.
Cơ bản nhất trí với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) mà Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An thống nhất việc dự thảo Luật quy định về “Người làm công tác xã hội” tham gia hoạt động tư pháp NCTN với mục tiêu hạn chế tối đa việc áp đặt một chiều các biện pháp mang tính cưỡng chế, nghiêm khắc từ phía cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần rà soát, quy định rõ ràng hơn và cơ sở đảm bảo cho vai trò, vị trí quyền và trách nhiệm của người làm công tác xã hội tham gia vào quá trình tố tụng và chấp hành các biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH) đối với người chưa thành niên.
Tại Điều 4, khoản 11 dự thảo Luật đã quy định “Người làm công tác xã hội gồm: nhân viên công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công chức văn hóa - xã hội cấp xã ”. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhận thấy, quy định như vậy trừ công chức văn hóa - xã hội cấp xã thì họ không phải là công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, vậy họ là ai, do ai là người công nhận? Hiện dự thảo Luật chỉ quy định: được cơ quan có thẩm quyền đề nghị tham gia dẫn đến cơ sở để xác định chính sách chế độ cho họ không rõ ràng trong khi trách nhiệm của họ rất nặng nề và quan trọng (như tại Điều 4, Điều 53, 54, Điều 170).
Tại khoản 12 và khoản 13 Điều 4, Điều 54, Điều 55, Điều 170 đều quy định các nội dung liên quan đến người làm công tác xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định rõ tư cách tố tụng của người làm công tác xã hội là gì trong vụ án (ở đây không phải là người đại diện; người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích của người chửa thành niên, người trợ giúp pháp lý…). Từ đó, dẫn đến chưa quy định cụ thể rõ ràng về chế độ đãi ngộ, nguồn lực chi trả cho đội ngũ này khi thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật.
Vì vậy, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị không quy định Công chức tư pháp - Hộ tịch là một trong những người được lựa chọn để trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN, như quy định tại khoản 2 Điều 76 “Công an cấp xã tham mưu, lập danh sách báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lựa chọn người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng” và trách nhiệm của người này quy định ở Điều 77.
Bởi vì thực tiễn Công chức tư pháp - hộ tịch không thể đảm bảo nguồn lực, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ này do họ đang rất áp lực đối với công tác chuyên môn của mình với gần 20 đầu việc lớn. Do đó, với nội dung này, đại biểu đề nghị quy định người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là Công an xã, những người đang thực thi nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với những loại án đang thực hiện tại cộng đồng thì sẽ phù hợp hơn.
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, dự thảo Luật có rất nhiều quy định liên quan đến người làm công tác xã hội như tại Điều 30 (trong đó quy định về điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công tác xã hội), Điều 54 (thời điểm người làm công tác xã hội tham gia tố tụng), Điều 170 (quy định về trách nhiệm của người làm công tác xã hội trong việc tái hòa nhập cộng đồng của người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và thi hành án phạt tù),…
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể, trực tiếp về nghề công tác xã hội hay người làm công tác xã hội. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể vị trí, vai trò của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Ngoài ra, đề nghị rà soát lại thuật ngữ “nhân viên làm công tác xã hội” hay “người làm công tác xã hội” để đảm bảo quy định thống nhất, ví dụ tại khoản 1 Điều 54 sử dụng thuật ngữ “nhân viên làm công tác xã hội”, nhưng sau đó lại sử dụng thuật ngữ “người làm công tác xã hội”.
Nghiên cứu dự thảo Luật, Đại biểu Chamaleá Thị Thủy cho rằng, người làm công tác xã hội được quy định tại khoản 11 Điều 4, Điều 31, Điều 54 và Điều 170. Các quy định này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công tác xã hội khi tham gia hoạt động tư pháp NCTN như xây dựng báo cáo điều tra xã hội về NCTN, kế hoạch XLCH, tham gia hoạt động tố tụng, hỗ trợ và can thiệp cho NCTN.
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy cho rằng, quy định người làm công tác xã hội theo dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, các quy định này cần được nghiên cứu, bổ sung thêm cho đầy đủ hơn.
“Cụ thể, dự thảo Luật chưa quy định rõ tư cách tố tụng của người làm công tác xã hội khi tham gia tố tụng, họ tham gia với vai trò gì, đội ngũ này sẽ chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào nếu họ không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ. Cơ quan nào và ai là người có thẩm quyền xác định họ đủ điều kiện tham gia hoạt động tố tụng”, đại biểu nêu rõ.
Do đó, đại biểu Chamaleá Thị Thủy đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện các quy định liên quan đến người làm công tác xã hội để bảo đảm đầy đủ và phù hợp hơn cũng như phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ này trong hoạt động tư pháp NCTN./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87587