Cán bộ thôn 'a còng'

Họ kỳ cạch gõ, sai lại xóa bỏ, làm lại nhưng vẫn không nản. Lúc đầu, nhìn thấy cái máy tinh xách tay, không ai hiểu nó là cái gì nhưng khi được học thì không phải là điều quá phức tạp. Đấy là chia sẻ của các bi thư chi bộ, trưởng thôn ở xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) sau khi đã học xong lớp sử dụng máy tính xách tay do UBND xã tổ chức mới đây.

Lớp “vỡ lòng”

Đối với lớp trẻ, dân văn phòng…, máy tính xách tay đã trở nên quen thuộc nhưng đối với những cán bộ thôn bản ở vùng sâu, vùng xa thì hoàn toàn mới mẻ. Trước yêu cầu công việc, nhất là cập nhật thông tin để triển khai ở cơ sở thì ứng dụng tin học có ý nghĩa quan trọng. Vì lẽ đó, mới đây, UBND xã Hùng Mỹ mở lớp học đặc biệt, đó là lớp học sử dụng máy tính xách tay cho các bí thư chi bộ, trưởng các thôn bản. Đây là lớp học “vỡ lòng” cho 16 trưởng thôn trên địa bàn xã. Các trưởng thôn ở các lứa tuổi khác nhau, người trẻ ngoài 30 tuổi, người già đã ngoài 60 tuổi đều "mù" tin học.

Bà Ma Thi Sa, Bí thư Chi bộ thôn Bảu, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa)thực hiện công việc trên máy tính xách tay.

Ông Ma Văn Gấm, Bí thư Chi bộ thôn Đình chia sẻ, thấy con cháu sử dụng máy tính xách tay, gõ gõ, bấm bấm khiến ông tò mò lắm, nhưng nghĩ mình ngoài 50 tuổi chẳng cần dùng đến làm gì nữa. Nhưng vừa rồi, UBND xã vận động cán bộ thôn, bản học máy tính để triển khai việc thôn thuận hơn, nghe ra nên mọi người hào hứng lắm. Xã huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ mỗi thôn mua một máy tính xách tay, rồi mở lớp dạy vi tính cho các cán bộ thôn, mọi người tham gia nhiệt tình.

Được các thầy, cô giáo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hùng Mỹ chỉ bảo tận tình, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Gấm vẫn quyết học cho bằng được. Những thao tác cơ bản đều phải học, cũng như ngày mới cầm vào cái cày, cái bừa cũng phải học nữa là máy tính. Học từ cách mở máy tính, nhấp chuột, rồi các dấu câu trên máy. Mới đầu khó lắm, lằng nhằng, hoa cả mắt nhưng rồi "lối đi" cũng đã được mở, ông và mọi người bắt đầu mường tượng ra để đánh được một văn bản thì phải học căn lề, gõ chữ có dấu, ví như dấu sắc thì đánh chữ s, dầu huyền thì gõ vào chữ f...rồi truy cập internet thì phải kết nối mạng thế nào, tìm kiếm thế nào... Bây giờ mỗi buổi tối ông lại đem máy tính ra để ôn tập lại những gì được học trên lớp để những thao tác của mình thuần thục thục hơn, ứng dụng vào công việc tốt hơn.

Lớp học sử dụng máy vi tinh cho cán bộ thôn tại xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa).

Lớp học sử dụng máy vi tinh cho cán bộ thôn tại xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa).

Bà Ma Thị Sa, Bí thư Chi bộ thôn Bả đã 63 tuổi, nhà cách trung tâm tâm xã 6 km nhưng bà tham gia đầy đủ các buổi học. Bà Sa chia sẻ, cứ nhớ đến câu nói của Bác Hồ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết trí ắt làm nên” là động lực để bà gắng học. Lấy máy tính ra, bà Sa khoe, sau 1 tuần học giờ bà đã biết các thao tác cơ bản để vào các chương trình soạn thảo văn bản Word, Excel, biết sử dụng Email trao đổi văn bản, biết vào mạng tìm hiểu thông tin. Bà thấy vui lắm vì công việc được triển khai rất nhanh, không phải đi lại nhiều lần như trước, các chủ chương, chính sách được triển khai kịp thời đến người dân.

Bước đột phá

Ông Lương Hải Tuyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nặm Kép học được nhiều kinh nghiệm, cách làm mới trong chăn nuôi từ nền tảng công nghệ. Ông Tuyên khẳng định, qua tìm hiểu các kênh thông tin, ông đúc rút ra rằng chỉ có liên kết mới giúp những người chăn nuôi phát triển bền vững. Ông tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, rồi tìm đầu ra cho sản phẩm qua internet, nhờ vậy mô hình chăn nuôi của ông không ngừng phát triển. Năm 2017, ông mới chỉ chăn nuôi 5 con trâu vỗ, đến nay gia đình ông đã phát triển lên 20 con trâu, bò. Ông còn tập hợp 7 hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo trên địa bàn thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thành Công, xã Hùng Mỹ liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) để việc chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định hơn.

HTX nông lâm nghiệp Thành Công, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) thực hiện kỹ thuật ủ thức ăn cho trâu bò nuôi vỗ béo thông qua tìm hiểu thông tin trên mạng Internet

HTX nông lâm nghiệp Thành Công, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) thực hiện kỹ thuật ủ thức ăn cho trâu bò nuôi vỗ béo thông qua tìm hiểu thông tin trên mạng Internet

Anh Lý Tiến Thắng, sinh năm 1981, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cao Bình, là một trong những Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn trẻ nhất xã Hùng Mỹ. Với sức trẻ, nhiệt huyết, đặc biệt là nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ thông tin, anh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ. Anh Thắng vui mừng nói, được hỗ trợ tiền mua máy vi tính, rồi được học cách sử dụng, biết làm việc trên máy vi tính, công việc hiệu quả hơn nhiều. Anh vào mạng cập nhật thông tin, ứng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tham khảo thị trường, học hỏi những cách làm hay trong phát triển kinh tế để tuyên truyền cho người dân trong thôn ứng dụng vào thực tiễn.

Cao Bình là thôn đặc biệt khó khăn của xã Hùng Mỹ, vậy nên anh Thắng rất trăn trở. Thôn có lợi thế phát triển chăn nuôi lợn đen nhưng quy mô còn nhỏ lẻ nên hiệu quả mang lại chưa cao. Anh Thắng đã lên mạng tìm hiểu, học hỏi các mô hình chăn nuôi lợn đen có hiệu quả để tuyên truyền, vận động và con làm theo. Theo anh Thắng, vấn đề nằm ở khâu chọn giống, kỹ thuật chăn nuôi chưa được đảm bảo, cần phải thay đổi mới đem lại hiệu quả. Anh bắt tay thực hiện để noi gương cho mọi người. Đầu năm nay, anh xây dựng lại mô hình chăn nuôi lợn đen với những kiến thức học được trên mạng từ chọn giống, bố trí xây dựng chuồng trại hợp lý, tiêm phòng vacxin đầy đủ cho lợn giống… Đến nay, đàn lợn phát triển rất tốt, lợn con đẻ ra khỏe mạnh. Hiện đàn lợn đen của anh đã có hơn 10 con và tiếp tục được nhân đàn. Anh chủ động đến các hộ trong thôn vận động thay đổi tư duy chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả. Trong thôn có 5 hộ dân đến học hỏi kinh nghiệm từ Thắng để triển khai thực hiện tại gia đình mình.

Việc tổ chức các lớp tin học cho cán bộ thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp người dân tiếp cận với kiến thức mới, bổ ích phục vụ sản xuất và đời sống.

Phóng sự: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/can-bo-thon-a-cong-131879.html