Phí phát hành SGK và suy nghĩ của giáo viên

Hầu hết các giáo viên mà chúng tôi gặp, trao đổi đều không biết, không được hưởng hoặc được hưởng rất ít phần trăm chiết khấu từ đơn vị bán sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo. Khi biết mức chiết khấu từ 11% - 35%, rất nhiều giáo viên đều hết sức bất ngờ.

Một giáo viên trường THPT công lập ở huyện miền núi tỉnh Hòa Bình cho biết, cứ cuối mỗi năm, cô phát phiếu cho học sinh đăng ký mua sách, đồ dùng học tập. Nhiều học sinh khó khăn, bố mẹ đi làm xa chưa gửi tiền về kịp, cô còn phải ứng tiền mua cho các con. Cô làm vì nhiệm vụ, vì học sinh; chuyện chiết khấu, phết phẩy, cô không biết, không được nhận.

“Cấp trên họ bảo, chiết khấu tính hết vào vận chuyển. Một bộ sách khoảng 500 nghìn đồng, chi phí vận chuyển từ Hà Nội về Hòa Bình cũng chỉ 10.000 - 15.000 đồng. Nhưng nếu phí phát hành chỉ 11% thôi đã tương đương 55.000 đồng/bộ, quá thừa để vận chuyển. Nếu nhân với một nghìn học sinh thì số tiền thừa đó lớn lắm”, cô giáo này nói.

Sách giáo khoa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Sách giáo khoa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Một nữ giáo viên khác ở Lạng Sơn mà chúng tôi quen biết cũng cho hay, cô không được nhận phần trăm chiết khấu nhưng công việc thì hết sức nặng nề. Khi sách về, cô làm “cửu vạn” bê sách cho học sinh. Đưa sách cho học sinh rồi, cô trở thành người đi đòi nợ học sinh. Ngoài sách giáo khoa, các cô phải “ép” học sinh mua thêm sách tham khảo, sách ôn luyện vì sở giáo dục gợi ý, ra “khẩu lệnh” trong các cuộc họp. Nếu không thực hiện, cô và nhà trường sẽ bị phê bình rát mặt. Sau khi trao đổi như vậy, hôm sau, cô gọi điện báo lại, nhà trường được trích lại 4%, cho cả sách giáo khoa và sách tham khảo - một con số khiêm tốn so với mức chiết khấu 11% - 35% mà phóng viên Tiền Phong nhận được tập tọe nhập vai buôn sách.

Nhiều giáo viên ở các vùng nông thôn, miền núi khác mà chúng tôi trao đổi đều phàn nàn, áy náy với học sinh, phụ huynh khi phải làm nhân viên bán sách bất đắc dĩ. Để ứng phó, về sách giáo khoa, có nhà trường ở Hòa Bình lấy quỹ trường mua lại sách của các em học lớp trước với giá 50-70% để bán lại cho các em khóa sau bằng đúng giá đó. Về sách tham khảo, các cô cũng phải tìm cách lách, chỉ để một số ít học sinh mua, tránh để trắng danh sách. Có cô nhạy bén hơn, không mua qua nhà trường, qua phòng, qua sở giáo dục mà lên hiệu sách trên phố huyện để mua, vì chiết khấu cao hơn rồi về bán bán giảm giá cho học trò. “Mua sách qua nhà trường, qua phòng hay sở giáo dục sẽ tập trung, đỡ mất công sức, có thể rẻ hơn vì mua số lượng lớn. Nhưng nếu có chiết khấu để giảm thêm cho các con hay trả công cho chị em giáo viên thì tốt biết mấy”, một cô giáo nói với chúng tôi.

Đầu mỗi năm học, chuyện sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng học tập và các khoản đóng góp lại đè nặng lên vai phụ huynh học sinh, nhất là đồng bào vùng cao, khó khăn. Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ vào sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho năm học mới, không tăng giá sách giáo khoa trong lúc này.

Đành rằng, dù đặc thù nhưng sách giáo khoa vẫn là một sản phẩm phải lưu thông có hoa hồng theo quy luật thị trường. Thế nhưng nếu khoản chiết khấu đó không thỏa thuận ngầm mà minh bạch, tiết giảm, việc phân phối hiện đại, thuận lợi hơn thì giá sách có thể giảm, giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh. Môi trường giáo dục vì thế cũng sẽ chuẩn mực, đẹp đẽ hơn.

Sỹ Lực

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phi-phat-hanh-sgk-va-suy-nghi-cua-giao-vien-post1661848.tpo