Cán bộ thú y cơ sở với công tác phòng chống dịch bệnh

Được ví như 'cánh tay nối dài' của ngành chăn nuôi, những năm qua, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác tham mưu, phòng, chống và khống chế dịch bệnh. Tuy còn nhiều hạn chế về cơ chế hỗ trợ, lực lượng mỏng... nhưng họ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở thành người bạn đồng hành, hỗ trợ người chăn nuôi yên tâm đầu tư sản xuất.

Cán bộ thú y xã Trí Nang (Lang Chánh) tiêm phòng cho trâu bò tại cơ sở.

Dưới cái nắng oi ả của mùa hè, chúng tôi có dịp theo chân anh Ngân Văn Xuân, cán bộ thú y xã Trí Nang (Lang Chánh) đến thôn Năng Cát để hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống nóng và tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Cùng đi qua những quãng đường lổn nhổn đất đá, chúng tôi mới thấu hiểu được sự vất vả của những người làm công tác thú y nơi đây. Vừa đi, anh Xuân nhớ lại những ngày cao điểm phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng viêm da nổi cục trên trâu, bò: “Làm cán bộ thú y miền xuôi đã vất vả, đối với những xã miền núi còn vất vả hơn bởi địa bàn rộng. Nhiều đợt, tôi phải tranh thủ đi từ sáng sớm vào tận thôn, bản, đến từng hộ, vừa phổ biến, vận động, vừa triển khai. Nhiều hộ chưa hiểu về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, còn chăn nuôi theo phương thức chăn thả, tôi phải thông báo trước, hoặc phải chờ đến tối khi trâu, bò về chuồng thì mới có thể tiến hành tiêm được. Nhiều hộ đi làm nên ban ngày không thường xuyên có mặt ở nhà, phải đợi đến trưa hoặc chiều tối họ đi làm về mới thực hiện tiêm cho trâu, bò. Khi đó, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra đồng loạt ở nhiều địa phương nên tôi không dám chủ quan, lơ là. Tranh thủ thời gian sáng, trưa, chiều tối để làm thì công tác tiêm phòng mới đạt hiệu quả cao”.

Cùng anh Xuân đến hộ chăn nuôi của anh Hà Văn Cảnh, vừa lúc trâu, bò về chuồng, anh đã nhanh chóng bắt tay vào công việc của mình. Vừa làm, anh Xuân vừa chia sẻ: "Trước đây, người dân không tiêm phòng cho gia súc bởi sợ con nuôi bỏ ăn, chậm lớn... Nắm được tâm lý đó, chúng tôi đã tới từng nhà tuyên truyền, giải thích những lợi ích khi tiêm vắc-xin, đưa ra những ví dụ về tình trạng gia súc, gia cầm chết vì dịch bệnh để người dân thấy tác hại của việc không tiêm phòng và lơ là trong phòng chống dịch bệnh. Đến nay, hầu hết người dân đã hiểu và đồng thuận nên mỗi đợt tiêm vắc-xin thuận lợi hơn”.

Từ thực tiễn phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật những năm qua cho thấy, mạng lưới thú y cơ sở hoạt động khá hiệu quả từ công tác phòng chống dịch bệnh đến hướng dẫn người dân chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, ứng dụng khoa học- kỹ thuật... Đơn cử như năm 2021, dịch viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra trên địa bàn tỉnh, chỉ sau 6 tháng, Thanh Hóa là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước công bố hết dịch. Hay như các đợt dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm H5N6... cũng đã nhanh chóng được phát hiện, xử lý chống dịch kịp thời. Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất cả nước...

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Triệu Sơn cho biết: "Hiện nay, toàn huyện có 34 cán bộ thú y tại các xã, thị trấn. Đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tiêm phòng vắc-xin; khống chế, dập dịch; hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... Ngoài ra, cán bộ thú y còn tham gia vào công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng bệnh bắt buộc cho động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật... Với sự năng động, sáng tạo và lòng nhiệt tình trong công việc, đội ngũ cán bộ thú y đã từng bước làm thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, giúp người chăn nuôi tiếp cận với khoa học - kỹ thuật và có ý thức trong phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, hầu hết mỗi xã chỉ có 1 cán bộ thú y nhưng kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, một số xã còn thiếu hoặc có chức danh nhưng không có chuyên môn đã gây khó khăn trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhất là ứng phó, khoanh vùng dập dịch. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ thú y cấp xã, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương và ngành nông nghiệp cần thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí để tăng mức hỗ trợ, chế độ đãi ngộ hợp lý để lực lượng thú y viên yên tâm gắn bó, tâm huyết với công việc; đầu tư trang thiết bị chuyên ngành để mạng lưới thú y cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chuyển giao kiến thức khoa học - kỹ thuật mới tới đội ngũ thú y cơ sở.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/can-bo-thu-y-co-so-voi-cong-tac-phong-chong-dich-benh-217534.htm