Cần bỏ tư duy 'không quản được thì cấm' trong ngành vui chơi có thưởng
Tại hội thảo 'Phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng: Thực trạng và giải pháp' được tổ chức sáng 23.6, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường vui chơi giải trí có thưởng ở Việt Nam còn quá nhỏ bé so với tiềm năng.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư cho biết so với nhiều nước trong khu vực, thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam vẫn còn hết sức nhỏ bé, trong khi đây là lĩnh vực có dư địa phát triển lớn, có thể đóng góp cho nhà nước vài tỉ USD mỗi năm; đồng thời tránh “chảy máu” ngoại tệ qua các ổ cá cược đen bất hợp pháp và qua việc người Việt Nam chơi casino ở nước ngoài".
"Vấn đề đặt ra hiện nay đối với nước ta là làm thế nào để vừa khai thác được dư địa của ngành vui chơi giải trí có thưởng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa đảm bảo được an ninh, trật tự xã hội, tránh được tác động xấu do đam mê quá thể dẫn đến tệ nạn cờ bạc”, ông Tuấn nói.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tich Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh rằng phát triển du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước.
Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp và đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Ông Mại chia sẻ, theo cách tiếp cận về mặt kinh tế thì du lịch nằm trong khu vực 3 (tức là khu kinh tế dịch vụ) cùng với các ngành khác như giao thông vận tải, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn..., nhưng đây là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp.
Lý do là khách du lịch trong một chuyến đi sẽ sử dụng các dịch vụ như viễn thông, vận tải, tài chính, thương mại, dịch vụ giải trí, dịch vụ thể thao, chăm sóc sức khỏe... trong đó có hoạt động vui chơi, giải trí.
Do đó để phát triển du lịch thì không thể không xây dựng ngành công nghiệp giải trí bao gồm các khu vui chơi, mua sắm buổi tối, các trung tâm giải trí, trường đua chó, đua ngựa có đặt cược, các hoạt động thể thao có thưởng và casino.
Tính đến cuối năm 2019 đã có 43 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tập trung vào ở các thành phố lớn và phát triển du lịch như Nha Trang, Quảng Ninh, Phan Thiết, Hà Nội, TP.HCM; doanh thu năm 2018 đạt 13.248 tỉ đồng tăng 22,8% so với năm 2017, gấp 2 lần so với năm 2013; nộp ngân sách nhà nước 2.785 tỉ đồng, tăng 26% so với năm 2017.
“Vì sao đã có chủ trương của Nhà nước về phát triển du lịch kết nối văn hóa - thể thao - giải trí, nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đã được cấp phép đã đi vào hoạt động nhưng kết quả còn quá khiêm tốn, gây lãng phí vốn đầu tư, nguồn nhân lực vì không khai thác có hiệu quả tiềm năng đã có?”, ông Mại nêu câu hỏi, và cho biết có 5 nguyên nhân chính.
Cụ thể là nhận thức và quan điểm coi đây là lĩnh vực “nhạy cảm” có liên quan đến cờ bạc, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, có nguy cơ gây thêm tệ nạn xã hội.
Hệ thống luật pháp có liên quan còn thiếu, không tương thích với sự phát triển của lĩnh vực này, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa chưa khuyến khích phát triển theo định hướng của Nhà nước, vừa quá chặt chẽ và mất quá nhiều thời gian để được cấp phép.
Chưa có tổ chức xã hội để liên kết các doanh nghiệp hoạt động. Hiện nay vẫn “mạnh ai nấy làm” do đó hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất-kỹ thuật còn thấp, đóng góp cho phát triển du lịch và ngân sách nhà nước còn quá ít; Chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và tổ chức dịch vụ vui chơi có thưởng, trong khi ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng.
“Tổ chức và cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động này còn khá bất cập, chỉ có một số cán bộ tại Vụ Tài chính, các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính có chức năng quản lý hoạt động vui chơi có thưởng, thiếu sự phối hợp với các bộ ngành ở trung ương, thiếu cơ chế phân công và hợp tác với UBND tỉnh và thành phố”, ông Mại nói.
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, bên cạnh tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành du lịch, vẫn còn tồn tại một số điểm yếu của du lịch Việt Nam.
“Tôi nhấn mạnh tồn tại trong du lịch Việt Nam, đó là chưa có sản phẩm dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí đa dạng phong phú”, ông Lực nói.
Ông Cấn Văn Lực cho hay, mục tiêu phát triển du lịch được chia theo 2 giai đoạn: Đến năm 2025, Việt Nam sẽ vào Top 3 trong khu vực ASEAN và Top 50 thế giới, đóng góp trực tiếp 12-14% GDP.
Đến năm 2030, Việt Nam thuộc Top 30 thế giới, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp 15-17% GDP.
Theo đó, có 3 giải pháp cần lưu ý, một là đổi mới tư duy du lịch, hai là hoàn thiện thể chế, và thứ 3 là phát triển sản phẩm du lịch.
Ông Lực cho rằng, thứ nhất ở Việt Nam vẫn còn tư duy "cái gì không quản lý được thì cấm", do đó cần phải thay đổi tư duy này.
Hai là “cần làm rõ phạm vi của vui chơi giải trí có thưởng, có bao gồm casino hay xổ số hay không? Tôi cho rằng vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam cũng như quốc tế là phải gắn với du lịch”. Do đó, theo ông Lực, cần có cơ chế chính sách để phát triển vui chơi giải trí có thưởng gắn với du lịch và kinh tế ban đêm.
Ông Lực cũng cho rằng cần xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2017 về kinh doanh đặt cược đối với các hoạt động vui chơi giải trí; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật các hoạt động vui chơi có thưởng đảm bảo sự phát triển của các hoạt động vui chơi có thưởng phát triển đúng hướng, góp phần thúc đẩy du lịch, không bị biến tướng, gây rủi ro; Bổ sung trường đua ngựa, đua chó, các khu vui chơi có thưởng… vào quy hoạch của các thành phố/điểm du lịch.
Ngoài ra, cho làm thí điểm, cho làm ở một số hoạt động trước như đua ngựa, đua chó, hoặc trước mắt là chọi trâu, tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng, an ninh, quản lý.