Cán bộ Văn hóa cần tinh thần: Càng khó khăn, càng quyết liệt, bản lĩnh
Lãnh đạo Bộ VHTT&DL nhấn mạnh toàn ngành Văn hóa phải luôn ghi nhớ tinh thần lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông...'
Câu lạc bộ dân ca ví-giặm, đội dân vũ cộng đồng, lớp học quan họ cho thiếu nhi… là những “điểm sáng” trong hoạt động văn hóa tại các địa phương được chia sẻ trong Hội nghị Cán bộ Văn hóa Toàn quốc ngày 28/8.
Hội nghị diễn ra trực tiếp tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tuyến tại 63 điểm cầu với hơn 1.000 đại biểu tham dự. Đây là dịp để đội ngũ những người làm công tác văn hóa giới thiệu các mô hình tiêu biểu, trao đổi nghiệp vụ quản lý Nhà nước, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chăm lo đời sống nghệ nhân
Tỉnh Bắc Ninh được xem là một "điểm sáng" về bảo tồn và phát huy di sản. Sau khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả thực sự đi vào cuộc sống, đã thực hiện đầy đủ, toàn diện nội dung cam kết với UNESCO; là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh Trần Hữu Hùng cho rằng sự hình thành của thiết chế nhà văn hóa, đặc biệt câu lạc bộ Quan họ đang bị mai một, chính vì thế, việc các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất đặc thù, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh được coi là một trong nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tỉnh.
Tính đến hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được 11 Nhà chứa Quan họ (nhà thực hành Quan họ), hệ thống các Nhà chứa Quan họ đã đi vào vận hành và thu được kết quả tốt, phục vụ sinh hoạt gắn với loại hình Dân ca Quan họ của địa phương và là điểm đến, tham quan của khách du lịch.
Theo ông Hùng, để có được những thành quả như vậy, không thể không quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của các nghệ nhân, bởi họ là "linh hồn" của các Nhà chứa Quan họ, khiến công trình này mang tính cộng đồng, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ và khát vọng của nhân dân, không chỉ là một thiết chế văn hóa cứng nhắc.
Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho hay nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, đề án, như: Xây dựng và phát triển mô hình đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, tôn vinh các nghệ nhân, đẩy mạnh truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh.
“Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 312 nghệ nhân hiện đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy các di sản trong cộng đồng, là nòng cốt để duy trì các đội văn nghệ bảo tồn văn hóa dân tộc. Tỉnh đã quan tâm triển khai các chính sách tôn vinh các nghệ nhân, tạo động lực khuyến khích họ tiếp tục cống hiến cho công tác truyền dạy các di sản văn hóa,” bà Lê Thị Thanh Bình cho biết.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư kinh phí cho các lớp truyền dạy văn nghệ dân gian, trong đó có các lớp truyền dạy nghề chế tác, biểu diễn khèn Mông; hát Khắp Cọi, dân ca, dân vũ dân tộc Tày, dân tộc Cao Lan, dân ca Thái (Khắp Thái).
Đồng tình với quan điểm đó, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cho hay địa phương này cũng có chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và nghệ sỹ đang làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Nghệ An.
Đối với các nghệ nhân khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú thì ngoài các chế độ được hưởng theo quy định, được tỉnh hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/người/tháng đối với Nghệ nhân Nhân dân; 1.000.000 đồng/người/tháng đối với Nghệ nhân Ưu tú…
Lấy sản phẩm làm thước đo của ngành văn hóa
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã điểm lại một số thành tựu của ngành đồng thời chỉ rõ một số tồn tại như: Sự quan tâm về ngành Văn hóa ở một số nơi, số chỗ chưa đồng đều; nguồn lực cho ngành Văn hóa dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn…
Từ những trăn trở đó, với một cách tiếp cận phải làm có trọng tâm trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó, làm phải có sản phẩm, lấy sản phẩm làm thước đo, Bộ trưởng đề nghị các sở địa phương tiếp tục xác định vấn đề thể chế phải giữ vai trò quan trọng. Ngành Văn hóa muốn phát triển thì phải bằng thể chế, chính sách.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục đồng hành cùng bộ để tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện các chính sách về ngành Văn hóa, tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, ban hành luật về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa, quảng cáo; tập trung xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia về sự phát triển bền vững để lượng hóa được giá trị đóng góp của văn hóa trong nền kinh tế.
Về phát triển công nghiệp văn hóa, sắp tới Bộ sẽ tham mưu để Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Quốc gia về Phát triển Công nghiệp Văn hóa trên tinh thần không dàn hàng mà chỉ chọn cái nào lợi thế để làm, làm từng bước từ thấp đến cao, từ dễ đến khó.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cán bộ toàn ngành Văn hóa phải luôn ghi nhớ tinh thần như lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông" để từ đó tu dưỡng, rèn luyện cho mình một khí thế, một quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, đó là: "Đoàn kết chính là sức mạnh. Càng khó khăn càng phải quyết liệt, càng phải bản lĩnh, nếu khó đã chùn bước thì đó không phải là cán bộ ngành Văn hóa"./.