Cần cách tiếp cận mới giáo dục chính trị, công tác học sinh sinh viên

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, công tác giáo dục chính trị, học sinh sinh viên cần có cách tiếp cận mới, phù hợp với những thay đổi của xã hội.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Chiều 27/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2023-2024.

Hội nghị diễn ra tại Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu đến từ các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị.

Khoảng 1.000 đại biểu từ các Sở GD&ĐT, các trường đại học tham gia hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng.

Khoảng 1.000 đại biểu từ các Sở GD&ĐT, các trường đại học tham gia hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng.

Cách tiếp cận mới

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, nhiệm vụ nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác HSSV đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện.

Đặc biệt, việc này càng quan trọng khi ngành giáo dục đang đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, đồng thời đang tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết này.

Ngoài ra, ngành giáo dục đã thay đổi cách tiếp cận trong công tác này từ khi sửa đổi Hiến pháp 2013, bắt đầu trên cơ sở quyền con người, quyền công dân. Ở bậc phổ thông, ngành giáo dục cũng đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với cách tiếp cận mới này, công tác giáo dục chính trị và công tác HSSV cũng cần thay đổi. Không như trước đây, nhà trường chỉ phổ biến kiến thức cho học sinh mà nay, phải thực hiện việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Ngoài ra, sinh viên Việt Nam cũng bước đi theo hướng hội nhập với thế giới. Các cơ sở giáo dục không chỉ tạo môi trường lành mạnh để sinh viên cống hiến, trưởng thành mà còn phải là nơi giúp các em phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ.

“Với cách tiếp cận trên cơ sở quyền con người, quyền công dân, vấn đề thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và việc xây dựng các hệ thống chính sách cho học sinh, sinh viên, tạo môi trường tốt nhất cho học sinh, sinh viên được phát triển và trưởng thành - là một nhiệm vụ rất quan trọng của toàn ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung”, Thứ trưởng nói

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng.

Theo Thứ trưởng, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng môi trường học đường an toàn, xanh - sạch - đẹp. Ở đó, HSSV có không gian phát triển một cách tốt nhất, bao gồm việc không có bạo lực học đường, ma túy, tệ nạn xã hội và môi trường đó có văn hóa ứng xử thể hiện tình người.

Môi trường tốt phải giúp HSSV được khẳng định, được đóng góp, cống hiến và trưởng thành...

Định hướng kế hoạch trong thời gian tới, Thứ trưởng cho rằng, mỗi cán bộ quản lý giáo dục phải thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác HSSV phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình. Mỗi cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên phải đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập.

Với các đại biểu tham gia hội nghị, Thứ trưởng đề nghị đại biểu thảo luận, cho ý kiến để triển khai hiệu quả công tác giáo dục chính trị và công tác HSSV trong năm học tới. Trong đó, cần rà soát xem công tác chỉ đạo, điều hành đã phù hợp chưa; việc triển khai công tác giáo dục chính trị và công tác HSSV có những tồn tại gì.

Đoàn đại biểu từ Sở GD&ĐT TPHCM tham gia hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng.

Đoàn đại biểu từ Sở GD&ĐT TPHCM tham gia hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng.

Nhiều kết quả quan trọng

Tại hội nghị, ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) đã báo cáo kết quả triển khai công tác giáo dục chính trị và công tác HSSV năm học 2022-2023; phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Ông Đạt cho biết, ngày 19/8/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị số 1112 về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023. Tiếp đó, ngày 19/9/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 4671 hướng dẫn thực hiện giáo dục chính trị và công tác HSSV năm học 2022-2023.

Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch do Bộ GD&ĐT ban hành, các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác trên. Tương tự, các Sở GD&ĐT cũng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục chính trị và công tác HSSV trong năm học 2022-2023.

Tất cả đảm bảo các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đều được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Ông Đạt đã báo cáo những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh chịu tác động của dịch Covid-19.

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; xây dựng văn hóa học đường…. cũng được các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai tích cực.

Trong phương hướng, nhiệm vụ năm học 2023-2024, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Bộ GD&ĐT về công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV sẽ được tiếp tục triển khai.

Các cơ sở giáo dục sẽ rà soát, đề xuất việc sửa đổi các chính sách các chính sách hỗ trợ đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, bộ máy, tổ chức và năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV được nâng cao chất lượng. Ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý.

Bà Cao Thị Thiên Phúc, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng.

Bà Cao Thị Thiên Phúc, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng.

Tại hội nghị, đại diện nhiều Sở GD&ĐT, trường đại học đã phát biểu các tham luận, nêu những khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác giáo dục chính trị , công tác HSSV và bàn giải pháp. Nhiều mô hình hay về công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV cũng được các đại biểu trình bày.

Đại diện Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Sở GD&ĐT Quảng Ninh trình bày về việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của học sinh.

Ngày mai (28/7), hội nghị tiếp tục diễn ra với 2 phiên thảo luận dành cho các đại biểu đến từ Sở GD&ĐT và các trường đại học. Tiếp đó, các đại biểu sẽ họp chung phiên tổng kết.

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-cach-tiep-can-moi-giao-duc-chinh-tri-cong-tac-hoc-sinh-sinh-vien-post648370.html