Cần cái nhìn hai chiều từ hoạt động thu hồi nợ của công ty tài chính

Sau khi triệt phá các băng nhóm đòi nợ thuê kiểu giang hồ, Bộ Công an đã mở rộng việc kiểm tra sang các công ty tài chính để rà soát, chấn chính hoạt động của dịch vụ cầm đồ, cho vay tiêu dùng phải đúng theo pháp luật.

Cần thiết kiểm tra thường xuyên

Trong thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng địa phương tiến hành kiểm tra nhiều chi nhánh của các công ty tài chính đăng ký hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay cầm đồ trên toàn quốc. Động thái này xuất phát từ việc nhiều ổ nhóm đòi nợ thuê kiểu giang hồ, gây bức xúc trong dư luận bị lên án và đã bị cơ quan chức năng triệt phá, khởi tố hình sự để tiến hành điều tra trước đó.

Cơ quan chức năng đã tiến hành phong tỏa, khám xét trụ sở các công ty tài chính trong diện cần kiểm tra một cách công khai, qua đó phát hiện được một số cá nhân vi phạm pháp luật, có hành vi vu khống, gây sức ép, gọi điện buộc người vay tiền trả nợ.

 Lực lượng Công an kiểm tra hoạt động của một cơ sở cho vay cầm đồ

Lực lượng Công an kiểm tra hoạt động của một cơ sở cho vay cầm đồ

Tuy nhiên cho tới nay, các sai phạm bị phát hiện mới chỉ nằm ở mức độ cá nhân. Còn việc kiểm tra các sai phạm trong hoạt động kinh doanh, cho vay của các công ty này cho đến nay vẫn được tiến hành, nhưng chưa phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mang tính chất hình sự.

Mặc dù chưa có kết quả về sai phạm, nhưng phần lớn ý kiến đều cho rằng, việc Bộ Công an tổng kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp hoạt động cho vay tài chính là cần thiết và nên diễn ra thường xuyên. Đây là biện pháp để chấn chỉnh toàn ngành, tránh được các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt các công ty có liên quan đến thu hồi nợ, có thể gây bức xúc trong dư luận.

Đồng tình với các ý kiến trên, đại diện một công ty tài chính trong diện kiểm tra cho biết: “Do công ty tài chính hoạt động cho vay cầm đồ, cho vay tiêu dùng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được quản lý bởi chính quyền địa phương, do đó việc kiểm tra của lực lượng Công an như trong thời gian qua vẫn thường xuyên diễn ra để đảm bảo an ninh trật tự.

Trong thời gian tới, các đợt kiểm tra dự kiến sẽ diễn ra định kỳ theo quy định của cơ quan chức năng. Việc kiểm tra này không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh, vận hành của công ty”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Bộ Công an nên tiếp tục kiểm tra giám sát hoạt động cho vay qua mạng, qua ứng dụng không cần tài sản thế chấp đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Các ứng dụng cho vay này bị nhiều phản ánh liên quan đến thu hồi nợ bằng nhiều hình thức cực đoan, gây tổn thất về danh dự, đời sống với cả những người không liên quan đến các khoản nợ chưa thể thu hồi.

Cần chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Các hành vi đòi thợ thuê kiểu giang hồ, có dấu hiệu cực đoan, khủng bố tinh thần người vay tiền và thậm chí là người thân của họ là hành vi vi phạm pháp luật đáng lên án và xử lý. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần tách bạch hành vi vi phạm pháp luật và các hoạt động thu hồi nợ được pháp luật cho phép.

Theo đó, người dân cần nhìn nhận tích cực hơn với các hoạt động thu hồi nợ hợp pháp, đây là một dịch vụ chính thức, được sự quản lý dưới chế tài của pháp luật, giúp bảo vệ cả người vay lẫn doanh nghiệp đang hoạt động cho vay. Cũng cần chuyên nghiệp hóa hoạt động này với sự kiểm soát của cơ quan chức năng, từ đó tránh được các biến tướng xảy ra như trong thời gian qua.

Ngoài ra, hoạt động của các công ty tài chính vô cùng đa dạng, phục vụ cho hàng triệu khách hàng nhưng không phải lúc nào tiền của người cho vay cũng được "an toàn". Điều đó cũng phụ thuộc vào chế tài hoạt động của từng công ty tài chính, có chức năng cầm cố tài sản hay không. Vì vậy nên có cái nhìn hai chiều trong hoạt động vay và cho vay, cần thiết phải bảo vệ người đi vay những cũng cần bảo vệ doanh nghiệp cho vay theo đúng quy định pháp luật.

Cho đến nay, hoạt động kiểm tra của Bộ Công an với các doanh nghiệp hoạt động cho vay tài chính vẫn diễn ra trên quy mô lớn. Tuy nhiên chưa có sai phạm cụ thể nào trong chính sách kinh doanh của doanh nghiệp được công bố, ngoài các vi phạm hành chính không ảnh hưởng đến quyền lợi người vay.

Từ kết quả hoạt động kiểm tra cho thấy mục tiêu chính rất rõ ràng là chấn chỉnh toàn ngành, đảm bảo hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính phải minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-cai-nhin-hai-chieu-tu-hoat-dong-thu-hoi-no-cua-cong-ty-tai-chinh-post241506.html