Cần cải thiện 5 vấn đề để hạn chế thiệt hại thiên tai do mưa bão

Theo các chuyên gia từ WB, nhằm khắc phục những thiệt hại nặng nề từ mưa bão, lũ lụt, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cập nhật thông tin chính xác, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, bảo đảm hệ sinh thái, và có phương án tài chính trước những rủi ro.

Thiệt hại hàng nghìn tỷ sau bão số 5 và số 6

Theo báo cáo của văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính từ đầu tháng 10/2020 đến nay, các tỉnh miền Trung đã hứng chịu các trận mưa lớn, dai dẳng, lũ lụt trên diện rộng và sạt lở đất do các cơn bão số 5 và số 6 gây ra, mưa, lũ lớn, sạt lở đất đã làm 119 người chết, 19 người mất tích; hàng nghìn ngôi nhà bị sập và hư hỏng; gần 5.000 hecta lúa và hoa màu mất trắng; hơn 6.000 gia súc và hơn 700.000 gia cầm bị chết do nước cuốn.

Ngoài ra, 270.000 ngôi nhà bị ngập, hơn 37.500 căn nhà bị hư hại, và khoảng 57.000 người phải sơ tán đến những nơi trú ẩn tạm thời, giao thông qua Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh bị chia cắt nhiều ngày; ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Nhiều người mất gần như toàn bộ tài sản trong gia đình vào dòng nước lũ, và thậm chí trở thành những người vô gia cư. Người nghèo và cận nghèo sẽ không có đủ điều kiện để đầu tư sửa chữa, xây dựng lại nhà ở hoặc mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết.

Trước những thiệt hại mưa lũ gây ra cho đồng bào miền Trung, hiện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã có những hỗ trợ kịp thời.

Hiện UNDP đã huy động 100.000 USD để hỗ trợ thiết yếu cho việc đánh giá, điều phối, ứng phó và lập kế hoạch phục hồi, và sẽ tiếp tục hỗ trợ những người dễ bị chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt bằng cách xây dựng những ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt.

Sạt lở đất nghiêm trọng do thiên tai. Ảnh: Ngọc Hải

Tính đến nay, hơn 3.250 ngôi nhà chống chịu bão, lụt đã được xây dựng tại 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thanh Hóa và hơn 800 ngôi nhà chống chịu bão, lụt khác đang được lên kế hoạch xây dựng vào năm 2021.

Những ngôi nhà an toàn được xây dựng với các tính năng chính giúp chống chịu với tác động của bão mạnh, lũ lụt lịch sử và các thời tiết khí hậu cực đoan để bảo vệ người dân và tài sản.

Thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Trung. Ảnh: TTXVN

Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng cách tập trung vào các cách tiếp cận tổng hợp để quản lý rủi ro thiên tai, bao gồm trồng rừng ngập mặn để làm vùng đệm chống bão, nước biển dâng và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai tại cộng đồng và địa phương ở các tỉnh ven biển.

Đánh giá về nguyên nhân khiến bão lũ nghiêm trọng, chuyên gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của WB cho biết lượng mưa lớn hơn so với mức thông thường mọi năm vì Việt Nam đang trải qua chu kỳ tuần hoàn của thời tiết, như hiện tượng El Nino.

Theo chuyên gia cấp cao về quản lý rủi ro thiên tai của WB tại Việt Nam, nêu 3 nguyên nhân khiến bão lũ và thiên tai nói chung gây thiệt hại lớn cho người dân và cộng đồng.

Thứ nhất là sự phát triển nhanh của cơ sở hạ tầng ở các khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở vùng ven biển. Khi một dự án hạ tầng được xem xét nhưng thiếu phần đánh giá rủi ro, dự án có thể bị phá hủy trong thiên tai.

Thứ hai là chính sách quản lý thiên tai rời rạc và thiếu tính thực thi từ cấp trung ương đến địa phương. Điều này vẫn là vấn đề cần cải thiện dù Việt Nam đã thông qua một số chính sách và khung pháp lý để quản lý thiên tai.

Thứ ba là thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý dẫn đến tình trạng mỗi bộ ban hành các chính sách và quy định riêng về các vấn đề tương tự trong xử lý thiên tai, gây nên chồng chéo, khiến các các cấp thực thi bối rối, không biết cách áp dụng trên thực tế.

Chuẩn bị sẵn phương án giảm thiểu thiệt hại vì thiên tai

Theo báo cáo "Phát triển khu vực ven biển Việt Nam - Cơ hội và rủi ro thiên tai" do WB công bố ngày 22/10, trong 10 năm tới, thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam có thể ở mức 4 tỷ USD; số người nghèo của quốc gia có thể tăng thêm 1,2 triệu người nếu chưa có các biện pháp cần thiết để khắc phục thiên tai.

Nhiều tuyến đường huyết mạch bị hư hỏng do mưa lũ. Ảnh: Ngọc Hải

Theo các chuyên gia của WB, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là do bão lũ, loại thiên tai phổ biến nhất ở Việt Nam, cần cải thiện 5 vấn đề.

Trước hết cần tăng cường chất lượng thông tin và dữ liệu. Hiện nay rất nhiều quyết sách được đưa ra dựa trên hệ thống dữ liệu nghèo nàn, trong đó có thông tin về rủi ro khí hậu, vị trí các tài sản lớn, các công trình đô thị. Do đó nhà chức trách rất khó đưa ra các quyết định sáng suốt, liên quan đến khu vực ven biển.

Đồng thời, xây dựng quy hoạch khu vực được thông báo về rủi ro. Các thành phố ở khu vực duyên hải đang phát triển rất nhanh. Ước tính 30% khu vực ven biển đã được xây dựng, nên các hoạt động phát triển mới sẽ được thực hiện ở khu vực có rủi ro cao về thiên tai.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tính toán rủi ro với hệ thống cơ sở hạ tầng. Hệ thống giao thông vận tải, năng lượng và nước là thiết yếu với người dân và với sự phát triển của khu vực duyên hải. Do đó chính phủ cần tính đến rủi ro trong xây dựng, duy trì và vận hành các hệ thống này. Các hệ thống đê cũng cần được nâng cấp, áp dụng các tiêu chuẩn mới nhất, được đánh giá thường xuyên để bảo đảm chúng có thể chống chọi trước những rủi ro.

Cùng với đó là việc bảo đảm hệ sinh thái, đưa hệ sinh thái vào quy hoạch trong chiến lược ứng phó với thiên tai. Đầu tư xây dựng đê điều không phải giải pháp duy nhất giúp bảo vệ bờ biển. Hệ sinh thái như rừng đước, các đụn cát có thể giúp bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển mà không tốn kém như xây dựng đê.

Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn phương án để giảm thiểu thiệt hại, như xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, giúp hạn chế số người thiệt mạng, các kế hoạch tài chính ứng phó khẩn cấp, phân bổ cho việc hồi phục và tái thiết sau thiên tai.

Dương Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-cai-thien-5-van-de-de-han-che-thiet-hai-thien-tai-do-mua-bao-post103027.html