Cán cân quyền lực tại Biển Đen có sự thay đổi sâu sắc lần đầu vào đầu thập niên 1990, việc Liên Xô tan rã dẫn đến sự phân chia Hạm đội Biển Đen giữa Nga và Ukraine, khiến sức mạnh Hải quân Nga yếu đi trông thấy.
Vào năm 2011, Cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Đen - Đô đốc Vladimir Komoedov nói rõ: "Khi đặt cạnh Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí so với hạm đội kết hợp Ukraine - Nga thì chênh lệch sức mạnh vẫn lên tới 4,7 lần".
Sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, liên kết quân sự giữa “hai người anh em” tại Biển Đen đã chấm dứt, dẫn tới ưu thế của Thổ Nhĩ Kỳ càng được nới rộng hơn hơn. Nhưng việc Crimea thuộc quyền kiểm soát của Nga đã thay đổi rất nhiều điều.
Bán đảo Crimea hiện trở thành một căn cứ quân sự hùng mạnh, điều này giúp cho Hạm đội Biển Đen nhanh chóng khôi phục lại tiềm lực ban đầu như dưới thời Liên Xô.
Chỉ 10 năm sau đánh giá đầy bi quan của Đô đốc Komoedov, Nga hiện đã trở thành một trong những quốc gia tạo lập vị thế chi phối tại Biển Đen, trên thực tế chỉ chia sẻ “quyền lực” với Thổ Nhĩ Kỳ.
Sở dĩ có nhận định trên là bởi hai quốc gia Gruzia và Ukraine đã bị bỏ lại phía sau do tiềm lực hải quân yếu kém, trong khi Bulgaria và Romania thậm chí không đáng để xét tới.
Giới phân tích cho rằng chỉ những tàu chiến của Mỹ và NATO mới có thể gây ra mối đe dọa thực sự đối với bán đảo Crimea, nhưng thời gian lưu lại Biển Đen của hải quân nước ngoài bị giới hạn trong 21 ngày theo Công ước Montreux.
Nhưng liệu Phương Tây có chấp nhận tình trạng như vậy hay không? Chắc chắn là không, họ đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm tạo ra sự thay đổi trong cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho mình.
Thứ nhất, một thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật quân sự đã được ký kết giữa Anh với Ukraine. Trong khuôn khổ hiệp định, London sẽ giúp Kiev xây dựng hai căn cứ hải quân cùng lúc tại Biển Đen và Biển Azov.
Mặc dù Hải quân Ukraine sẽ nhận được một số tàu tuần tra và xuồng cao tốc vũ trang từ Anh cũng như Mỹ, nhưng số phương tiện trên không gây ra mối đe dọa thực sự nào đối với Hạm đội Biển Đen của Nga
Thách thức thực sự nằm ở việc London sẽ đặt trạm theo dõi tàu mặt nước và tàu ngầm tại một trong những căn cứ nói trên, như vậy sẽ gây ra nguy cơ rất lớn đối với Hải quân Nga vì mọi hoạt động đều bị giám sát chặt chẽ.
Thứ hai, mối nguy hiểm thực sự đối với hạm đội Nga từ phía Ukraine chính là tên lửa chống hạm Neptune, đây thực chất là một biến thể của Kh-35 Uran, có khả năng tiêu diệt chiến hạm với lượng giãn nước lên đến 5.000 tấn cách xa 280 km.
Trái với truyền thông, giới quân sự Nga cho rằng không nên đánh giá thấp Neptue, bởi các khẩu đội bố trí ven Biển Đen và Biển Azov sẽ gây ra đe dọa thực sự đối với các căn cứ Hải quân Nga ở Sevastopol, thậm chí ở Novorossiysk.
Ukraine còn có thể tạo ra phiên bản phóng từ trên không của tên lửa Neptune để tích hợp cho máy bay ném bom tiền tuyến Su-24M. Điều này có nghĩa là "cánh tay" của Lực lượng vũ trang Ukraine trên khu vực Biển Đen sẽ trở nên dài hơn.
Thứ ba, sau năm 2027, tình hình ở Biển Đen có thể thay đổi hoàn toàn khi Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển từ lời nói sang hành động khi tiến hành xây dựng kênh đào Istanbul.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ Tayyiv Erdogan từng nhấn mạnh rằng các điều khoản của Công ước Montreux sẽ không áp dụng cho tuyến đường thủy mới.
Dự án trên được phương Tây sẽ hoan nghênh nhiệt liệt bởi vì Kênh đào Istanbul giúp đơn giản hóa thủ tục vào Biển Đen của Hải quân NATO, các tàu chiến Mỹ sẽ có quyền ở lại đây không phải chỉ trong 21 ngày.
Do vậy về trung hạn, cán cân quyền lực ở Biển Đen sẽ lại thay đổi theo hướng không có lợi cho Hải quân Nga và Moskva cần sớm đưa ra được biện pháp đối phó với thách thức mới.
Việt Dũng