Cần can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ

Chăm sóc và can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ là vấn đề được nhiều phụ huynh có con mắc bệnh lý này quan tâm. Hiện nay, tại Khánh Hòa có 3 cơ sở y tế công triển khai hoạt động can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, góp phần chung tay cùng gia đình giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng.

Góp phần giúp trẻ sớm hòa nhập

Ngoài Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh, mới đây, Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang đã khánh thành và đưa vào hoạt động Phòng Can thiệp trẻ rối loạn phổ tự kỷ; Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa vào hoạt động Phòng Ngôn ngữ trị liệu. Chức năng của các phòng khám trên là phát hiện sớm các rối loạn phát triển cho trẻ từ tuổi rất nhỏ, đánh giá phát triển tâm thần vận động của trẻ với các dấu hiệu về rối loạn ngôn ngữ (chậm nói, nói ngọng); các rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý; các rối loạn vận động như: Tăng giảm trương lực cơ, chậm vận động, di chứng não… Từ đó, có các phương pháp can thiệp sớm cho trẻ, nhất là ở rối loạn phổ tự kỷ thông qua các hoạt động trò chơi và hình ảnh để tăng khả năng tương tác xã hội; tổ chức các hoạt động nhóm và đưa ra chương trình can thiệp cụ thể phù hợp cho từng trẻ và cha mẹ của trẻ.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra cho trẻ tại Phòng Ngôn ngữ trị liệu.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra cho trẻ tại Phòng Ngôn ngữ trị liệu.

Đưa con tới khám tại Phòng Can thiệp trẻ rối loạn phổ tự kỷ, Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang, anh Nguyễn Vĩnh S. (phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) cho biết, vợ chồng anh có 2 người con sinh đôi được hơn 2 tuổi. Trong quá trình chăm sóc con, vợ chồng anh thấy con có những dấu hiệu như: Chậm nói, ít giao tiếp với người thân; thích chơi một mình và khá rụt rè khi tiếp xúc với người lạ. Qua tìm hiểu, thấy con có những dấu hiệu nghi vấn của rối loạn phổ tự kỷ nên anh đưa các con đến gặp bác sĩ chuyên môn để tư vấn, thăm khám và phối hợp can thiệp sớm để 2 bé có thể phát triển bình thường.

Có con điều trị tại Phòng Ngôn ngữ trị liệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được 20 ngày, anh Nguyễn Văn D. (thị xã Ninh Hòa) cho biết, sau thời gian được bác sĩ ở đây can thiệp, con của anh đã biết tham gia chơi các trò chơi, chịu lắng nghe, nhận biết được và đọc tên các đồ chơi bác sĩ đưa ra… Trước đó, thấy con có những dấu hiệu khác thường so với những trẻ cùng lứa, anh D. đưa con tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám. Sau khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị mắc bệnh rối loạn phổ tự kỷ nên chuyển tới Phòng Ngôn ngữ trị liệu để được can thiệp.

Cần can thiệp sớm

Rối loạn phổ tự kỷ là một trong những dấu hiệu của tự kỷ, là một khuyết tật phát triển suốt đời, ảnh hưởng đến việc giao tiếp, liên hệ với những người khác và hiểu được thế giới xung quanh mình. Đến nay, vẫn chưa có cách để chữa trị khỏi hoàn toàn rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán, can thiệp sớm sẽ giúp trẻ từng bước được cải thiện, hòa nhập với cộng đồng. Trong đó, công tác sàng lọc phát hiện sớm trẻ rối loạn phổ tự kỷ có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phát hiện chính xác những trẻ bị mắc bệnh. Qua đó, giúp trẻ được can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập cho trẻ sau này.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Lan Anh - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Yesin Nha Trang cho biết, bệnh thường khởi phát rất sớm, dưới 36 tháng tuổi, kéo dài và gây ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng của trẻ, gây khó khăn trong cuộc sống cho chính trẻ và gia đình. Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Trẻ thường cô lập, thờ ơ với cha mẹ và người xung quanh, thiếu giao tiếp, thiếu phản ứng tương tác với trẻ khác, nói và làm những điều không phù hợp; hoặc phát triển ngôn ngữ rất trễ (khoảng 4 - 5 tuổi) và không theo các quy luật tiến triển thông thường... Nguyên nhân của rối loạn phổ tự kỷ đến nay chưa có các bằng chứng khoa học cụ thể, yếu tố chính có thể liên quan đến bất thường là gene. Các yếu tố môi trường được chứng minh có liên quan là bất thường trong quá trình mang thai và khi sinh, tình trạng dinh dưỡng, cân nặng, môi trường sống của mẹ, các bệnh nhiễm khuẩn... 3 năm đầu đời là thời điểm vàng để can thiệp cho trẻ bởi thời điểm này, tế bào thần kinh có tính linh hoạt, thích ứng cao nên trẻ có thể học được điều mới và điều chỉnh hành vi dễ dàng hơn, đặc biệt là giao tiếp sớm. Trong điều trị can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, bên cạnh sự phối hợp đa chuyên ngành, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Cha mẹ cần được đào tạo và hướng dẫn để đồng hành và can thiệp cho trẻ với tình yêu thương và gắn kết đặc biệt tại gia đình. Việc cha mẹ biết cách nhận biết, phát hiện dấu hiệu bất thường, chấp nhận tình trạng của con là mấu chốt để đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và can thiệp sớm, như vậy mới tăng hiệu quả điều trị cho trẻ.

Việc thành lập các phòng khám điều trị, can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở các bệnh viện, trung tâm ở tỉnh đã tạo thêm địa chỉ chuyên môn đáng tin cậy, góp phần xây dựng một mạng lưới phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ nói riêng và rối loạn phát triển của trẻ em nói chung để hỗ trợ trẻ phát triển tốt nhất có thể, giúp trẻ có khả năng học tập và nhanh hòa nhập với cộng đồng.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202312/can-can-thiep-som-cho-tre-tu-ky-dc602e5/