Cần cẩn trọng lựa chọn nhân sự, ra đề thi
Một kỳ thi học sinh giỏi được tổ chức tốn rất nhiều công sức, tâm huyết của nhiều nhà giáo, học sinh và tốn kém tiền bạc nhưng cũng là một hoạt động khuyến tài quan trọng của giáo dục địa phương. Vậy nên cấp tổ chức cần cẩn trọng trong lựa chọn nhân sự, ra đề thi.
Khiển trách giáo viên ra đề thi học sinh giỏi trùng đề cương ôn tậpĐỌC NGAY
Sự việc một cô giáo vừa bị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì ra đề thi học sinh giỏi Trung học phổ thông cấp tỉnh bị trùng với đề cương ôn tập của trường mình cho vẫn còn nhiều bất cập trong việc tổ chức kỳ thi giỏi cấp tỉnh, cấp huyện ở các địa phương hiện nay.
Cần nói rằng, việc đề thi học sinh giỏi trùng với đề cương ôn tập, hoặc na ná như vậy đã tồn tại từ lâu. Khi cấp tỉnh, hay cấp huyện tổ chức kỳ thi học sinh giỏi thường điều động những giáo viên ra đề thi lại là người đang ôn thi học sinh giỏi cho đơn vị mình nên dẫn đến tình trạng "trùng đề cương" hay học sinh "trúng tủ" không còn là chuyện hiếm.
Vậy mới có ý kiến rằng giáo viên ôn thi học sinh giỏi không tham gia ra đề thi; những học sinh không ôn thi với giáo viên ra đề cho tỉnh, cho huyện thường thua thiệt và những thị phi vẫn thường được bàn luận sôi nổi sau mỗi kỳ thi.
Trùng đề cương, trùng đề rất dễ vì lợi ích cá nhân
Hiện nay, các cấp học phổ thông ở các địa phương thường đứng ra tổ chức 2 kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cho học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12. Thông thường, những người "ngoại đạo" vẫn nghĩ đây là những kỳ thi nghiêm túc để chọn ra những học sinh giỏi nhất sau mỗi kỳ thi nhằm bồi dưỡng cho các em phát huy sở trường sau này. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đề cao tính nghiêm minh, công bằng khi lựa chọn nhân sự ra đề, chấm thi lại là người đang ôn thi học sinh giỏi.
Nếu mà nói về quy trình ra đề thì mọi người nghĩ sẽ nghiêm ngặt lắm nhưng thực tế một số địa phương chưa chú trọng phần này. Bởi lẽ, thông thường kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện thì cấp Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề nhưng họ thường chỉ có 1 chuyên viên phụ trách chung cho tất cả các môn học của cấp Trung học cơ sở.
Vậy nên, thông thường những người ra đề cấp huyện (1 người) là những tổ trưởng Hội đồng bộ môn môn học đó mà tổ trưởng Hội đồng bộ môn lại là tổ trưởng chuyên môn của một trường (đề cấp huyện ít khi điều giáo viên phản biện mà giáo viên ra đề sẽ tự chịu trách nhiệm). Điều này cũng đồng nghĩa có thể thầy cô này cũng đang ôn thi học sinh giỏi cho trường mình.
Khi cấp tỉnh tổ chức kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cho học sinh lớp 9 (sau khi đã tuyển lựa ở cấp huyện) thì phần nhiều cũng điều động 1 giáo viên Trung học cơ sở ra đề hoặc kết hợp ra đề vì mỗi Phòng Giáo dục Trung học thường có 1 chuyên viên phụ trách cho 1 môn học nhưng vì họ nhiều công việc và vị này thường là giáo viên cấp Trung học phổ thông nên họ cũng không có thế mạnh đối với kiến thức cấp Trung học cơ sở. Tất nhiên, người được Sở điều động cũng phải là chỗ tin tưởng, ít nhất cũng là thành viên cốt cán, hoặc tổ trưởng chuyên môn ở các đơn vị cơ sở.
Đối với kỳ thi học sinh giỏi cấp Trung học phổ thông thì cấp Sở đứng ra chủ trì nhưng như đã nói ở trên, chuyên viên Sở rất ít ra đề, họ sẽ điều động 1-2 giáo viên ở các trường ra đề cho môn thi đó. Có thể 1 người ra, 1 người phản biện, hoặc có thể 2 người ra, 2 người phản biện.
Thực ra, cách xử lý này chỉ là cách giải quyết tình huống vì tổ chức lại một kỳ thi rất phức tạp.
Việc thầy, cô giáo ra đề thi "trùng với đề cương ôn tập" của trường, nếu không được phát hiện kịp thời, rất có thể sẽ gây ra sự thiếu công bằng giữa các học sinh là học trò của thầy, cô giáo với khả năng đạt giải cao... Và còn nhiều lợi ích khác cho cả các nhân sự tham gia. Từ đó, sẽ gây ra nhiều tình huống thiếu minh bạch, chính xác trong các việc tương tự tiếp theo.
Phụ huynh, học sinh ôn thi học sinh giỏi có quyền nghi ngờ về tính minh bạch của một kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh mà Sở Giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức.
Lựa chọn nhân sự cho kỳ thi học sinh giỏi, khuyến tài rất quan trọng
Thực ra, công tác lựa chọn, ôn thi học sinh giỏi ở cấp Trung học cơ sở, cũng như cấp Trung học phổ thông hiện nay rất kỳ công và vất vả. Những giáo viên được phân công ôn thi, những học sinh nằm trong đội tuyển phải đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết nhưng nếu đó là cuộc thi tổ chức khách quan thì học sinh và phụ huynh đều vui lòng.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn có tình trạng các cấp tổ chức lựa chọn nhân sự không trúng, sai quy chế. Đó là lựa chọn giáo viên ra đề, phản biện đề lại là những giáo viên đang ôn thi học sinh giỏi mà thông thường những người ra đề, phản biện không thực hiện việc cách ly như ra đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và thi tuyển vào l10 nên nhiều hệ lụy có thể xảy ra. Nhưng vì lợi ích của cả người ôn thi, thí sinh dự thi nên việc này chỉ âm thầm diễn ra và họ không bao giờ lên tiếng.
Đó là chưa kể có tình trạng giáo viên vừa ôn thi, vừa ra đề, vừa đi chấm thi học sinh giỏi nên bài thi dù đã bị rọc phách thì giáo viên không khó nhận ra bài thi của học trò mình bởi thầy trò ôn với nhau suốt nhiều tháng trời. Đặc biệt như môn Ngữ văn có 2 câu nên giọng văn, chữ viết của học trò được thầy cô thuộc như trong lòng bàn tay.
Cần hướng tới quyền lợi thí sinh, quyền lợi của người ôn thi dưới cơ sở
Vì thế, cấp tổ chức kỳ thi phải tách bạch các khâu rõ ràng giữa ôn thi- ra đề- coi thi- chấm thi. Đặc biệt, những giáo viên ôn thi không được điều động ra đề. Người ra đề thì không điều động đi chấm thi. Khi các khâu này độc lập, không ràng buộc, không có thể xảy ra tiêu cực thì sự công bằng sẽ được phát huy.
Mỗi huyện, mỗi tỉnh có rất nhiều giáo viên đang dạy ở lớp 9, dạy ở lớp 12 nên việc điều động không khó. Bởi lẽ, việc ra đề chỉ dừng lại ở 1-2 giáo viên. Việc chấm thi thì kỳ thi nào cũng chỉ vài chục thí sinh dự thi nên chỉ điều động 2-4 giám khảo cuối cấp đi chấm thi đơn giản vô cùng.
Tránh để một nhà giáo được cùng lúc đóng nhiều vai khác nhau trong một kỳ thi
Những ý kiến bất đồng, không tin tưởng vào kỳ thi học sinh giỏi sẽ vẫn còn đó. Cơ sở không phục cấp tổ chức và những giáo viên, học sinh được tôn vinh sẽ không xứng đáng. Những thí sinh dự thi đạt giải vì đã được thầy cô "gài bài" trước có thể vui mừng nhất thời nhưng sau này các em lớn lên sẽ xem thường kỳ thi này và thầy cô của mình.