Cận cảnh 4 cơ sở đào tạo tại Hà Nội của ĐH Quốc tế Bắc Hà, 50% GV TS có đúng?
Thông tin quảng bá về trình độ giảng viên, khuôn viên...có sự khập khiễng với Đề án tuyển sinh năm 2024 (dự thảo) của Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, trên trang website tuyển sinh Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà: https://biu.edu.vn và trang chủ chính của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà: https://iubh.edu.vn đều không có thông tin về Báo cáo ba công khai. Đáng nói, trong 2 năm liên tiếp, nhà trường liên tục tuyển vượt chỉ tiêu. Cụ thể, năm 2023, trường có 368 chỉ tiêu nhưng số sinh viên nhập học là 761 (vượt 106,7% chỉ tiêu). Năm 2022, trường có 368 chỉ tiêu nhưng có tới 774 em nhập học (vượt 110% chỉ tiêu).
Về nội dung này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có phản ánh trong bài viết: "ĐH Quốc tế Bắc Hà: Không thấy báo cáo 3 công khai, có năm tuyển vượt 110%".
Hiện Hiệu trưởng nhà trường là PGS.TS Nguyễn Quốc Trung; Chủ tịch Hội đồng Trường là PGS.TS Trần Thị Tâm Đan.
Theo thông báo tuyển sinh năm học 2024, Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà tuyển690 chỉ tiêu cho 8 ngành đào tạo với 26 chuyên ngành.
Tại trang web tuyển sinh của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà (https://biu.edu.vn), nhà trường đã tóm tắt một số nội dung nêu: "Những con số biết nói về Đại học Quốc tế Bắc Hà". Trong đó, trường ghi: 50% giảng viên trình độ tiến sĩ; 97,8% sinh viên tốt nghiệp có việc làm; Khuôn viên 15ha...
Tuy nhiên, qua đối sánh với Đề án tuyển sinh năm 2024 (dự thảo) của nhà trường, phóng viên nhận thấy thông tin đang có sự "khập khiễng" với số liệu quảng bá nêu trên.
Đơn cử như nhà trường nêu có 50% giảng viên trình độ tiến sĩ nhưng các số liệu được nêu trong Đề án tuyển sinh 2024 (dự thảo) thì con số đang khác khá nhiều.
Cụ thể, tại Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2024 (Dự thảo), theo danh sách giảng viên cơ hữu chủ trì giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh, số thứ tự giảng viên được đánh số từ 1 đến 81. Tuy nhiên, số thứ tự 39,40,41,42, lại không có trong danh sách công khai. Trong đó, giảng viên trình độ từ tiến sĩ trở lên là 12 người. [1]
Cụ thể 12 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ trở lên gồm: 1 giáo sư và 2 phó giáo sư có chuyên môn được đào tạo Kỹ thuật điện tử viễn thông; 2 tiến sĩ có chuyên môn được đào tạo Công nghệ thông tin; 1 phó giáo sư, tiến sĩ có chuyên môn đào tạo Quản trị doanh nghiệp; 1 tiến sĩ có chuyên môn đào tạo Tài chính ngân hàng; 1 phó giáo sư, tiến sĩ có chuyên môn đào tạo Kinh tế xây dựng; 1 phó giáo sư chuyên môn được đào tạo Giáo dục học, 1 tiến sỹ chuyên môn được đào tạo Văn thư lưu trữ, 2 tiến sĩ chuyên môn được đào tạo Luật học giảng dạy môn chung.
Như vậy, số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của trường theo số liệu được kê tại Đề án tuyển sinh 2024 (dự thảo) là 12/81, tỷ lệ khoảng 14,8%. Con số này còn một khoảng cách dài mới có thể được 50% như quảng bá của trường.
Đối với giảng viên thỉnh giảng, nhà trường có 6 tiến sĩ/32 giảng viên, chiếm 18,7% (số giảng viên còn lại đều có trình độ thạc sỹ).
Khuôn viên 15 ha vẫn là dự án?
Về thông tin quảng bá nhà trường có nêu khuôn viên 15ha, Đề án tuyển sinh 2024 (dự thảo) cũng có nêu về diện tích 15ha tại địa chỉ 109, đường Hồng Ân, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Quy hoạch đã được duyệt theo Quyết định số 60-QĐ-SXD ngày 11/3/2016. Tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học là 149.729m2.
Theo giới thiệu của nhà trường, trường sẽ được xây dựng tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, trên khu đất có tổng diện tích 15ha, nằm ngay cạnh đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn (đường 1 mới). Diện tích xây dựng dự kiến khoảng 70.000 m2, gồm các dự án như giảng đường - thư viện với 24.502 m2; Phòng nghiên cứu ứng dụng, thí nghiệm, thực hành rộng 20.123m2... (1)
Theo Đề án tuyển sinh 2024 (dự thảo), ở phần thông tin chung, nhà trường ghi cơ sở đào tạo tại Bắc Ninh có 2 địa điểm: Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ (đường 08 Thành Cổ, phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh); Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Tiên Du (số 1, Đỗ Nguyên Thụy, thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh).
Tại Hà Nội, nhà trường nêu 3 cơ sở đào tạo gồm: Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam (Số 6b, ngõ 4, phố Dương Khuê, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội); Nhà E, khu văn hóa nghệ thuật, đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội; Nhà A2, khu Văn hóa nghệ thuật, đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tuy nhiên, ở phần thông tin về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, tại Hà Nội, Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà kê 4 cơ sở, thêm 1 có sở đào tạo tại Tầng 1 khu Giảng đường, Trường Cao đẳng Y dược ASEAN, Lô TH2, khu đô thị mới Cổ Nhuế, đường Tôn Quang Phiệt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Theo thông tin nhà trường công khai, diện tích phòng học hiện có của nhà trường là 700m2 (gồm 26 phòng học), diện tích ký túc xá là 140m2 (gồm 7 phòng ở).
Cụ thể, nhà trường có 3 phòng máy tính với 60 bộ máy tính; 3 phòng thí nghiệm điện - điện tử (rộng 150m2); 15 phòng học dưới 50 chỗ (375m2); 1 phòng học từ 50-100 chỗ (75m2); 1 phòng học lớn trên 200 chỗ (200m2); 2 phòng học đa phương tiện (80m2); 1 Thư viện (80m2); 4 phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cơ hữu (150m2).
Như vậy, khuôn viên rộng 15ha như trên trang web tuyển sinh https://tuyensinh.biu.edu.vn chưa có các hạng mục để phục vụ đào tạo.
Cận cảnh cơ sở vật chất tại cơ sở đào tạo tại Hà Nội của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tận mục sở thị các cơ sở đào tạo của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà tại Hà Nội và không khỏi bất ngờ. 4 cơ sở đào tạo của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà tại Hà Nội, đều là các địa điểm đi thuê và "nhiệm vụ chính" là phục vụ tuyển sinh cho đơn vị.
Hình ảnh tại một số địa điểm đào tạo của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà tại Hà Nội:
Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà được thành lập theo Quyết định số 1369/QĐ - TTg ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo giới thiệu của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà về chiến lược phát triển - tầm nhìn năm 2025- 2030, nhà trường có nêu về sứ mạng: "Không phân biệt đối tượng tuyển sinh, nhưng đầu ra phải là những ngôi sao tỏa sáng. Mối quan hệ Nhà trường với Cựu sinh viên là trọn đời. Đổi mới phương pháp đào tạo và rèn luyện đạo đức tốt thì sẽ không có Sinh viên dốt”.
Về tầm nhìn, nhà trường thông tin: "Sinh viên là sợi dây kết nối giữa Nhà trường với doanh nghiệp, nguồn thu nhập chính của Nhà trường không phải từ học phí của Sinh viên mà thu nhập chính phải từ nguồn nghiên cứu khoa học và cấp nhân lực cho Doanh nghiệp. Bán trình độ Sinh viên và bán giải pháp công nghệ cho Doanh nghiệp mới là nguồn thu nhập chính của Trường.
Doanh nghiệp muốn thành công phải có Công nghệ và Nhân sự tốt – muốn có Nhân sự và Công nghệ tốt phải hợp tác với Trường để cùng nhau xây dựng đổi mới giáo trình đào tạo và nghiên cứu chuyển giao công nghệ”.
Trên trang website của nhà trường cũng giới thiệu, dự án thành lập Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà là tâm huyết của một số nhà khoa học và quản lý đã và đang công tác trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các cơ sở đào tạo Đại học, Nghiên cứu khoa học và Sản xuất - Kinh doanh đã dành nhiều công sức xây dựng, hoàn thành và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tài liệu tham khảo:
1) https://biu.edu.vn/de-an-tuyen-sinh-dai-hoc/
2) https://iubh.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh-chinh-quy