Cận cảnh bảo vật quốc gia tượng An Dương Vương ở đền Cổ Loa
Pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương tại Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa là hiện vật độc đáo, mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật.
Trong số 27 hiện vật mới được bổ sung vào Danh mục Bảo vật quốc gia đợt 11, năm 2022, pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là hiện vật gốc và độc bản, chưa từng thấy ở bất cứ đền thờ An Dương Vương nào trên cả nước.
Pho tượng này có một lịch sử khá đặc biệt. Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, cách đây hơn 1 thế kỷ, vào năm 1893, trong lần trùng tu đền Thượng, làng Cổ Loa đào được một kho đồng. Nhân dân cho rằng đó là kho đồng thiêng của nhà vua nên đem đúc tượng, phục vụ cho việc thờ cúng, tế lễ tại đền. Đến năm 1897 việc đúc tượng hoàn thành.
Pho tượng làm bằng hợp kim đồng với kỹ thuật đúc bằng khuôn sáp ong. Tượng lòng rỗng, trong tư thế ngồi trên bệ, liền khối, hình trụ, hai tay cầm hốt với phong thái ung dung, đường bệ, uy nghi.
Tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương đội mũ bình thiên hai cấp, trang trí "lưỡng long chầu nhật". Khuôn mặt vua An Dương Vương được tạo tác khá cẩn trọng, theo những quy chuẩn đầy tính biểu tượng với mặt vuông chữ "điền", mang phong cách của nghệ thuật tượng chân dung.
Đôi mắt ngài tuy mở rõ, nhưng vẫn như nhìn xuống, có đôi chút ảnh hưởng của triết học Phật giáo, để soi rọi nội tâm và hướng con người tới thiện tâm. Đỉnh tai của tượng cao hơn lông mày chút ít, mũi đầy đặn cân đối, biểu hiện của người có trí tuệ cao của bậc chính nhân quân tử. Đặc biệt, miệng hơi mỉm cười, nụ cười cảm thông, cứu độ.
Tượng mặc áo long bào cổ cao, hai tay cầm hốt để trước ngực, diềm áo chảy xuống tới tận mũi hài. Thân đeo đai ngọc to bản trễ xuống, chân đi hài mũi cong.
Hoa văn trang trí trên long bào được sắp đặt theo bố cục đăng đối, ở mặt trước và sau, bên phải, bên trái. Điểm nhấn của hoa văn trang trí trên long bào được phân thành các chủ đề khác nhau như: Lưỡng long chầu nhật, rồng cuộn, mây hóa, trăng, sao, rồng hóa, chim phượng, chim công, cỏ cây, hoa lá, sóng nước và những biểu tượng thiêng khác...
Trên tượng có các dòng chữ Hán được khắc và dát vàng: "Thánh tổ An Dương Hoàng đế", "Đinh Dậu niên, ngũ nguyệt thập lục nhật chú" (tức đúc ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu - 1897), "Đồng tượng nhị bách ngũ thập ngũ cân" (tượng đồng nặng 255 cân).
Theo một số nhà nghiên cứu, hoa văn của mũ tượng biểu hiện về thế lực tầng trên. Phía sau mũ đúc nổi chính tâm là hoa cúc lồng 3 lớp cánh - biểu tượng của mặt trời, 4 góc là rồng chầu về bông cúc này, có ý nghĩa "rồng chầu mặt trời", chính là biểu tượng của vương quyền.
Đặc biệt, lối đúc tượng ngồi trên bệ, không trên long ngai lại là một hiện tượng hiếm gặp, thể hiện nhà vua đã hóa thân thành Thần Phật. Ngoài nghệ thuật tạo tượng mang phong cách chân dung, pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương còn vương vấn những yếu tố của tinh thần Phật - Đạo, khiến cho tác phẩm vừa gần gũi vừa linh thiêng, trong mối giao hòa giữa đạo và đời.
Pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương mang phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn, hội tụ hài hòa giữa nghệ thuật tạc tượng, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật đúc tượng truyền thống của người Việt.
Giá trị lịch sử của hiện vật chính là việc pho tượng là hiện thân của vị vua lập nên Nhà nước Âu Lạc. Giá trị văn hóa của hiện vật lại gắn với Lễ hội Bát xã Loa thành, một lễ hội mang tính biểu tượng của cư dân vùng châu thổ sông Hồng. Còn giá trị khoa học của pho tượng thể hiện ở việc phản ánh kỹ thuật luyện kim đúc đồng thủ công truyền thống của người Việt với các công đoạn, quy trình tỉ mỉ, phức tạp…