Cận cảnh con đường bích họa buôn Tây Nguyên độc đáo tại Đắk Lắk
Con đường bích họa buôn Tây Nguyên phác họa chân thực đời sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, cũng như phong cảnh hùng vĩ của đại ngàn.
Tìm về buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, Tp.Buôn Ma Thuột), nhiều người không khỏi ấn tượng trước con đường bích họa buôn Tây Nguyên với 32 bức vẽ rực rỡ, nhiều màu sắc về đời sống, văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Trên con đường bích họa buôn Tây Nguyên, dưới nét cọ tài hoa của các họa sĩ, mỗi bức vẽ khắc họa những hình ảnh khác nhau, được thực hiện tỉ mỉ từng chi tiết, mỗi bức họa như kể lại những giá trị lịch sử về các tập tục sinh hoạt thường ngày, đời sống, văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Không chỉ vậy, thông qua ngôn ngữ của hội họa, du khách đến đây như được sống trong không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên và phong cảnh hùng vĩ của đại ngàn.
Bà H’Yam Bkrông, SN 1965, nguyên là Buôn trưởng buôn Tơng Jú cho biết, từ vẻ đẹp thiếu nữ Ê Đê ngồi trước hiên nhà dài, cánh đồng hoa dã quỳ, thuyền độc mộc hồ Lắk, cảnh phụ nữ địu con giã gạo, những chú voi bơi lội giữa hồ Lắk, hái cà phê, múa dân gian, nặn gốm của người M’Nông, dệt thổ cẩm đến những nét văn hóa độc đáo,… được thể hiện một cách sống động, chân thực.
“Mãi chạy đua với cuộc sống thị trường nên nhiều lớp trẻ hiện nay dần lãng quên, thậm chí không biết đời sống, văn hóa truyền thống của cha ông mình hoặc chỉ được nghe qua lời kể của người lớn.
Chính vì vậy, khi con đường bích họa Tây Nguyên xuất hiện đã giúp cho các lớp trẻ hiểu được những giá trị truyền thống và nguồn gốc của dân tộc mình. Nhìn những bức họa, mọi người mới biết rõ, trước đây muốn có cơm ăn thì phải dã gạo, gùi nước, củi... Hiểu được những giá trị đó, mọi người trong buôn luôn nhắc nhở nhau phải bảo vệ con đường bích họa như một tài sản của mỗi người”, bà H’Yam chia sẻ.
Xuất phát từ sự độc đáo nói trên, thời gian qua, con đường bích họa buôn Tây Nguyên đã trở thành điểm “check-in” thú vị “hút” khách du lịch ghé thăm để khám phá một Tây Nguyên thu nhỏ. Hơn nữa, thông qua loạt bức họa đầy màu sắc đã góp phần tô điểm cho cảnh sắc mộc mạc, bình dị của buôn làng.
Được biết, những bích họa nói trên nằm trong đề tài khoa học "Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk" do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn Tây Nguyên thực hiện. Chủ nhiệm đề tài, triển khai thực hiện là nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm.
Con đường bích họa buôn Tây Nguyên dài 770 m, thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chia làm 2 giai đoạn. Đây là mô hình đường bích họa trong buôn đông dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk và trở thành một trong những điểm nhấn để đưa buôn Tơng Jú trở thành điểm du lịch cộng đồng trong tương lai, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.