Cận cảnh dàn khí tài trong Lễ duyệt binh Nga kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II tại Quảng trường Đỏ ở Moscow ngày 9/5 có sự xuất hiện của một số hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3M di chuyển trên Quảng trường Đỏ ở trung tâm Moscow, Nga ngày 9/5/2025. T-72B3M là phiên bản hiện đại hóa sâu của xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 do Nga phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 2016. Xe được trang bị pháo nòng trơn 125mm 2A46M-5, có khả năng bắn tên lửa chống tăng qua nòng, cùng hệ thống kính ngắm Sosna-U hiện đại tích hợp camera nhiệt, cho phép tác chiến hiệu quả cả ngày lẫn đêm. T-72B3M sử dụng động cơ diesel V-92S2F công suất 1.130 mã lực, đạt tốc độ tối đa khoảng 70 km/h. Với chi phí sản xuất thấp hơn các dòng xe tăng phương Tây, khả năng cơ động cao và dễ vận hành trong điều kiện khắc nghiệt, T-72B3M là một lựa chọn phù hợp cho lục quân Nga trong nhiều chiến dịch, bao gồm cả ở Syria và Ukraine.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM của Nga trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng. T-80BVM là phiên bản nâng cấp hiện đại của xe tăng T-80, do Nga phát triển và biên chế từ năm 2017. Xe trang bị pháo nòng trơn 125mm có khả năng bắn tên lửa chống tăng. T-80BVM sử dụng động cơ tuabin khí GTD-1250 công suất 1.250 mã lực, cho khả năng tăng tốc nhanh và hoạt động tốt trong môi trường lạnh. Xe có tốc độ tối đa khoảng 70 km/h, khả năng cơ động cao, đặc biệt phù hợp với địa hình băng giá như Siberia. T-80BVM đã được triển khai trong các hoạt động quân sự gần đây của Nga.

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars. Yars sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn ước tính khoảng 11.000–12.000 km và có thể mang từ 3 đến 6 đầu đạn hạt nhân tách rời (MIRV), mỗi đầu đạn có khả năng tự dẫn đến mục tiêu riêng. Hệ thống này được thiết kế để xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa nhờ khả năng cơ động cao của đầu đạn và quỹ đạo bay phức tạp. Yars có thể được triển khai trên bệ phóng di động hoặc trong silo cố định, tăng tính linh hoạt và khả năng sống sót trước đòn tấn công phủ đầu. Đây là một trong những thành phần chủ lực trong bộ ba răn đe hạt nhân của Nga.

Hình ảnh xe tăng T-34 và pháo tự hành chống tăng SU-100 trong lễ duyệt binh. T-34 là xe tăng chiến đấu chủ lực nổi tiếng của Liên Xô trong Thế chiến II, được đưa vào sử dụng từ năm 1940. Đây là một trong những mẫu xe tăng có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử quân sự hiện đại. Thiết kế đơn giản, dễ sản xuất và bảo trì giúp Liên Xô chế tạo hàng chục nghìn chiếc trong thời gian ngắn. T-34 đóng vai trò quyết định trong các chiến thắng then chốt như trận Stalingrad và Kursk, là biểu tượng cho sức mạnh thiết giáp Liên Xô. Trong khi đó, SU-100 là pháo tự hành chống tăng của Liên Xô, được phát triển và đưa vào sử dụng vào cuối Thế chiến II, có khả năng tiêu diệt các xe tăng hạng nặng của Đức như Panther và Tiger II ở khoảng cách xa.

Các xe bọc thép của Nga, bao gồm xe tăng T-34 thời Liên Xô, di chuyển trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng.

Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ năm nay được cho là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Lễ duyệt binh có sự góp mặt của 184 thiết bị quân sự, 12 máy bay không người lái và 15 máy bay chiến đấu. Các khí tài hiện đại như hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars, xe tăng T-14 Armata, xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 và pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV được trình diễn, thể hiện năng lực tác chiến tiên tiến của quân đội Nga.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M Proryv của Nga di chuyển trên Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh vào Ngày Chiến thắng. T-90M Proryv là phiên bản hiện đại và mạnh nhất của dòng xe tăng T-90 do Nga phát triển, chính thức ra mắt vào năm 2017. Xe được trang bị pháo 2A82-1M 125 mm, có khả năng bắn đạn xuyên giáp và tên lửa chống tăng. T-90M được đánh giá là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực tối tân nhất thế giới hiện nay, đã được triển khai trong xung đột Ukraine.

Hình ảnh xe chiến đấu bọc thép Phoenix và xe bọc thép y tế Linza của Nga trong cuộc duyệt binh vào Ngày Chiến thắng.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga di chuyển trong cuộc duyệt binh. Đây là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến do Nga phát triển, chính thức đưa vào biên chế từ năm 2007. S-400 là phiên bản nâng cấp toàn diện của hệ thống S-300, được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và thậm chí cả mục tiêu siêu thanh ở nhiều độ cao và khoảng cách khác nhau.

Pháo tự hành MSTA-S của Nga trong cuộc duyệt binh vào Ngày Chiến thắng. Hệ thống này có khả năng bắn đạn thường với tầm hoạt động từ 24 - 25 km và đạn tăng tầm có thể đạt tới 36 km. MSTA-S đã được sử dụng trong các cuộc xung đột hiện đại như ở Ukraine và vẫn giữ vai trò quan trọng trong lực lượng pháo binh của Nga.

Xe bọc thép vận chuyển máy bay không người lái Geran của Nga. Đây là dòng máy bay không người lái cảm tử do Nga phát triển, dựa trên thiết kế của Iran. Các phiên bản chính gồm Geran-1 và Geran-2, với Geran-2 là phiên bản cải tiến, có tầm bắn lên đến 2.000 km, tốc độ 180 km/h và thời gian bay tới 12 giờ. Nó mang đầu đạn nặng 90 kg và được sử dụng để tấn công các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Geran-3 là phiên bản mới hơn, có tốc độ lên đến 600 km/h và hoạt động ở độ cao lớn để tránh hệ thống phòng không của Ukraine.

Tiêm kích Su-25 của Nga phun khói theo màu quốc kỳ Nga trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng.