Theo các tài liệu lịch sử, đình Thế Lại Thượng (địa chỉ tại đường Bạch Đằng, phường Gia Hội, TP. Huế), được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, sau thời điểm vua Gia Long lấy đất xây dựng Kinh thành Huế.
Đình có khuôn viên rộng 1.200m2, cấu trúc được thiết kế theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái, kết cấu kèo cột gỗ với 26 cột chính và 4 cột hiên.
Nội thất của đình gồm hai phần: phần hậu điện với 7 án thờ được khảm sành sứ, trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt” cách điệu; phần tiền đường với hai bái đường, có treo hai bức đại tự. Hiện nay toàn bộ đình để trống, tất cả bài vị đã chuyển về miếu Thành Hoàng.
Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu, hài hòa, được xây dựng, trùng tu, bảo quản qua hơn hai trăm năm thăng trầm của lịch sử, có giá trị về mặt kiến trúc gỗ truyền thống. Công trình đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 05/1999QÐ-BVHTT ngày 12/1/1999 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).
Trải qua thời gian, hiện nay ngôi đình này đã xuống cấp nghiêm trọng nhiều hạng mục.
Rác thải vứt vương vãi bên trong ngôi đình.
Trao đổi với phóng viên Gia đình và Xã hội, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Ngôi đình này hiện nay đã được phân cấp cho UBND TP. Huế quản lý trực tiếp. Vừa rồi, cử tri có hỏi về thực trạng này nhưng vẫn chưa có thể đầu tư, trùng tu ngay. Có nhiều di tích, di vật hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức".
Video: Di tích cấp quốc gia giữa lòng TP Huế xuống cấp, nguy cơ đổ sập
Hoài Nam - Hoàng Dũng