Điện Kính Thiên (được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông) - cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình. Đến năm 1886, công trình này bị phá hủy và hiện chỉ còn di tích 2 thềm bậc hình rồng bằng đá tinh xảo và nền điện nằm trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Thềm bậc rồng mới được công nhận là bảo vật quốc gia có kích thước nhỏ hơn, nằm ở phía bắc của nền Điện Kính Thiên. Bộ di vật này gồm hai lan can rồng đá có niên đại Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) và 7 bậc lên xuống cũng bằng đá.
Cận cảnh một trong hai di vật rồng thời Lê Trung Hưng mới được công nhận là bảo vật quốc gia hôm 31/1.
Rồng đá điện Kính Thiên tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc của thời Lê Trung Hưng, được chạm trổ bằng đá xanh. Tuy có kích thước không lớn như rồng ở thành bậc phía nam nhưng vẫn hiện rõ vẻ uy nghi, sống động.
Phần thềm bậc nhỏ hơn nhưng độ tinh xảo và sự uy nghiêm thì gần như không khác gì so với bậc thềm chính.
Là con đường vua dùng để di chuyển từ điện chính về phía sau cung nên hướng nhìn của phần bậc thềm này có cảm giác yên bình hơn đem lại cảm giác dễ chịu hơn so với sự hoành tráng tại thềm chính.
Bên cạnh đôi rồng đá, thềm bậc chính này còn chạm khắc hình tượng mây hóa rồng đặc sắc không gặp ở bất cứ di tích nào còn lại ở Việt Nam, được tạo hình hết sức tỉ mỉ, hoa văn cầu kỳ.
Từ trên thềm bậc chính nhìn xuống là một góc nhìn thoáng, rộng rãi tỏ rõ sự tôn nghiêm của di tích quan trọng bậc nhất tại Hà Nội.
Sơn Quách