Với khuôn mặt được trang điểm và trang phục rực rỡ, 40 vũ công trẻ nhảy qua các con phố ở Sán Đầu, miền nam Trung Quốc trong tiếng cồng chiêng và trống trước sự chứng kiến của hàng trăm khán giả.
Sự kết hợp giữa võ thuật và kinh kịch Trung Hoa, điệu múa truyền thống của những "anh hùng" có nguồn gốc cổ xưa này vẫn thắp sáng một số vùng của tỉnh Quảng Đông trước Tết Nguyên đán.
Khi những người biểu diễn đập gậy vào nhau trước một ngôi đền gỗ nhỏ ở Sán Đầu, hàng chục nghìn người theo dõi màn trình diễn trên các nền tảng như Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, trong những tháng gần đây.
Điệu múa Yingge - nghĩa đen là "bài ca của những anh hùng" - có nguồn gốc từ các thành phố Sán Đầu và Triều Châu ở Quảng Đông.
Thường được thực hiện trong lễ mừng Tết Nguyên đán hoặc các sự kiện lễ hội khác để mang lại may mắn, nghi lễ này bắt nguồn từ những câu chuyện huyền thoại, gồm tiểu thuyết kinh điển thời nhà Minh của Trung Quốc "Thủy Hử".
Các vũ công, mặc áo choàng và đội mũ phức tạp của những người lính hoặc anh hùng trong thần thoại, hầu hết đều ở độ tuổi từ 12 đến 30.
Điệu múa này là niềm tự hào của một vùng đất nơi nền văn hóa truyền thống vẫn còn tồn tại mạnh mẽ.
Điệu múa Yingge được biểu diễn vào dịp Xiaonian - theo nghĩa đen là "năm nhỏ" - ngày bắt đầu truyền thống chuẩn bị cho năm mới, là cơ hội để treo những đồ trang trí màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc và dọn dẹp nhà cửa.
Điệu múa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2006 này hiện vẫn thu hút giới trẻ.
Các vũ công trong trang phục biểu diễn điệu múa Yingge truyền thống tại một ngôi đền thờ tổ tiên ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Hải Yến