Ông Nguyễn Văn Kiệm - Trưởng làng Trà Phương (xã Thụy Hương, Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết, chùa Trà Phương đang thờ hai bảo vật Quốc gia là Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Hai bảo vật này có niên đại từ thế kỷ XVI.
Bà Vũ Thị Ngọc Toàn là người làng Trà Phương và là chính thất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được công nhận là bảo vật Quốc gia vào tháng 12/2020.
Trong đó, Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cao 56cm, vai ngang 23cm, làm từ chất liệu đá vôi, tạc hõm sâu vào đá nguyên khối. Phía ngoài phiến đá tạo tác kiểu văn bia. Trán bia ở chính giữa chạm biểu tượng bông sen 16 cánh đơn. Dưới trán bia là họa tiết rồng được chạm chầu vào lòng bia. Trước khi được thờ tại chùa Trà Phương, bức phù điêu này được lưu trữ tại đình làng Trà Phương.
Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung cũng được làm từ đá vôi, cao 63cm, vang ngang 37cm. Tượng mặc áo bào, cổ tròn. Trên áo chạm hình rồng trong thế cuộn tròn, mặt rồng nhìn chính diện. Hình rồng được chạm mang đặc trưng rồng thời Mạc với các dấu ấn như: mặt dạng râu, sừng đơn cong cong, mắt tròn lồi, miệng râu, tai thú...
Theo UBND TP Hải Phòng, chùa Trà Phương mang hai tên chữ là chùa Bà Đanh và Thiên Phúc Tự gắn liền với lịch sử xây dựng cũng như tồn tại của chùa. Tên Bà Đanh tự có từ thời Lý.
Khởi thủy, chùa được xây dựng trên một gò đất cao, xung quanh cây cối rậm rạp cách xa xóm làng. Đến thời Mạc, thế kỷ XVI, chùa Trà Phương trải qua một đợt trùng tu lớn. Chùa lưu giữ nhiều dấu ấn thời Mạc.
Sau khi trùng tu dưới thời nhà Mạc, chùa được lấy tên là Thiên Phúc Tự. Đến năm 2017, chùa Trà Phương được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Chùa gồm tòa điện phật, tòa thờ các vị sư tổ, nhà khách, nhà bia, sân vườn và kiến trúc cổng chùa.
Kiến trúc của chùa Trà Phương rất độc đáo, hướng chính Tây Nam. Đầu năm 2021, chùa Trà Phương được Ban quản lý di tích trùng tu quy mô lớn hơn trước.
Nguyễn Huệ