Người dân Cà Mau có nhiều cách bắt cá như: giăng lưới, cắm câu, đặt dớn, kéo côn... Trong đó, kéo côn là công việc "hái ra tiền" của nhiều người.
9 giờ sáng 18/9, anh Lê Văn Cường (42 tuổi, ngụ ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cùng 2 người thân tất tả chuẩn bị đồ nghề để đi bắt cá ngoài đồng.
Con cá rô phi nặng hơn nửa cân được anh Mạnh đưa ra khỏi chiếc nơm và giơ lên cao. "Con này mà luộc mẻ nhậu thì hết sảy, hết cả lít rượu đế chớ chơi. Nay cuối tuần, tranh thủ về sớm anh em lai rai đi mấy chú", anh Mạnh hớn hở.
Công cụ đem theo để bắt cá khá đơn giản gồm 1 sợi dây dài khoảng 10m, quanh sợi dây được mắc nhiều đoạn thép song song nhau (sợi dây này được gọi là côn - dùng để kéo cá ngoài đồng), 1 chiếc nơm và 1 cái bao dùng để đựng cá sau khi bắt được.
Công việc kéo côn bắt cá không cần quá nhiều người, chỉ 3 người là đủ. Trong đó, 2 người được phân công nhiệm vụ cầm 2 đầu dây côn cho thẳng rồi cứ thế mà kéo, người còn lại cầm chiếc nơm đi theo ở phía sau.
Khi những đoạn thép được kéo trúng vào cá, trúng sẽ giật mình mà vùi sâu xuống đáy bùn. Lúc này, nơi cá vùi sâu sẽ làm đục nước, người cầm nơm đi phía sau chỉ việc dùng nơm úp lại rồi dùng tay đưa vào trong để mò bắt cá.
Chỉ chờ đến khi phát hiện cá vùi xuống bùn là anh Lê Văn Mạnh (44 tuổi) vội vàng úp nơm và bắt gọn con cá rô phi nặng gần 1/2kg. Theo anh Mạnh, năm nay mực nước ở những cánh đồng thuộc xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau lên cao hơn những năm trước. Vì thế, cá đồng cũng có nhiều hơn.
Theo anh Mạnh, mùa này kiếm tiền rất dễ. Chỉ cần bộ đồ nghề không quá đắt tiền là 3 anh em anh ra đồng tầm 4 - 5 tiếng đồng hồ là bắt đường khoảng 10kg cá đủ loại. Nào là cá rô phi, cá lóc, cá trê, cá rô...
"Mùa nước tràn bờ rất dễ kiếm ăn, chỉ cần xách dây côn ra đồng một buổi là kiếm được 500.000 - 600.000 đồng hoặc có cá ăn cả tuần", anh Mạnh chia sẻ.
Cứ thế, 3 người đi từ cánh đồng này, sang cánh đồng khác và bắt được vô số cá đồng.
Đang hí hoáy kéo côn, bất chợt cả nhóm phát hiện 1 con cá lớn vừa vùi sâu làm nước sình đen ngòm. Lúc này, anh Mạnh vội la lớn: "Chậm chậm, có cá bự". Thế là anh Mạnh, vội úp nơm, rồi hớn hở đưa tay vào bên trong lền mò dưới lớp bùn để tìm cá.
Rồi cả nhóm tiếp tục công việc của mình, anh Mạnh đóng vai trò chủ đạo trong việc bắt cá. Anh vác chiếc nơm trên vai rồi cứ thế theo chân 2 người anh em đi đằng trước, khi phát hiện có cá, anh Mạnh vội úp nơm. "Làm nghề này đã lâu, anh úp nơm bách phát bách trúng, ít khi sảy lắm", anh Mạnh nói thêm.
Trong lúc kéo côn, anh Cường phát hiện 1 con cá lớn vừa vùi sâu dưới bùn. Lúc này, anh Mạnh ở cách đó khoảng vài mét nên anh buông côn rồi dùng tay lần mò để tìm con cá lớn.
Hí hoáy một lúc, anh Cường đưa lên mặt nước 1 con cá rô phi. Anh cầm chặt trong tay sợ vuột mất. Tiếp đó, anh kêu anh Trần Hoàng Giao (38 tuổi), thành viên đi cùng chịu trách nhiệm quản lý "chiến lợi phẩm" mở chiếc bao trên tay để bỏ cá vào bên trong. Tuy nhiên, vừa định bỏ cá vào bao, con cá vùng vẫy, thoát khỏi tay của anh Cường trở về ruộng. Cả nhóm tiếc nuối nhưng vẫn nở nụ cười rồi tiếp tục công việc.
Một tay kéo côn, tay còn lại cầm bao chứa "chiến lợi phẩm" có lúc anh Giao bị mỏi tay vì bao chứa nhiều cá. Nhóm kéo vòng quanh cánh đồng ở ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau mới chỉ mất khoảng 1 giờ đã bắt trên 2kg cá đồng đủ loại. "Nhiêu đó nhìn vậy thôi chứ bán cũng hơn 100.000 đồng đó nhưng hôm nay anh em bàn nhau không bán, mà đem về nhậu lai rai ngày cuối tuần", anh Giao nở nụ cười hiền.
Bất chợt, anh Giao lại buông tay côn rồi mò mẫm dưới vùng nước sâu một lúc lâu, rồi đưa lên 1 con cá lóc lớn. "Dính rồi, dính cá lóc rồi anh em ơi", anh Giao hớn hở.
Anh Mạnh cho biết, gặp cá lớn anh mới bắt, còn cá nhỏ anh quyết định thả lại để tái tạo nguồn lợi. "Mình bắt hết thì còn cá đâu mà sinh sản để mùa sau bắt nữa", anh Mạnh chia sẻ.
Sau khoảng 1 giờ 30 phút, lúc này cả nhóm có trong tay tầm 3kg cá, họ quyết định thu côn trở về nhà.
Thu côn gọn gàng, anh Cường vội vàng rửa sạch trước khi rời đi. Anh Cường làm thợ hồ, vào mùa mưa, công việc bấp bênh, anh cùng anh Mạnh, anh Giao đi kéo côn bắt cá, cải thiện bữa ăn cho gia đình. Lúc cá nhiều thì đem bán kiếm tiền mua gạo và cho con đi học.
Sau khoảng 1 giờ 30 phút ở ngoài đồng, thành quả mà họ có được khoảng 3kg cá các loại. Mớ cá rô phi, cá lóc đồng còn tươi roi rói nằm gọn trong bao. Với cá này, người dân có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như, kho trái giác, nấu canh chua cơm mẻ, nướng mọi...
Sau một buổi ra đồng được coi là thành công, trên đường về cả nhóm đều phấn khởi với "chiến lợi phẩm".
Nhật Anh