Cận cảnh khu di tích Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp

Khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sừng sững, trường tồn như đài sen trắng vươn lên trên Đất Sen hồng.

Sau nhiều đóng góp trong các phong trào yêu nước ở địa phương, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bệnh nặng, qua đời vào đêm 26 rạng sáng 27/11/1929 (tức ngày 27/10 năm Kỷ Tỵ) hưởng thọ 67 tuổi.

Tượng trưng cho vùng đất Chín Rồng

Dẫn PV Báo Giao thông tham quan khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Võ Thị Tuyết Ngoa, Giám đốc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp) cho biết, thời điểm cụ Phó bảng mất thực dân Pháp kiểm tra nghiêm ngặt mọi vấn đề.

Toàn cảnh Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Toàn cảnh Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Đám tang cụ không có người thân, chỉ có làng xóm đưa cụ về nơi an nghỉ vĩnh hằng. Mộ cụ Phó bảng được bà con nhân dân chôn cất, bốn góc mộ có trồng hoa lài - loài hoa mà cụ yêu thích.

Năm 1954, mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bộ đội và đồng bào địa phương tôn tạo, sau đó chụp ảnh gửi ra Bắc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, thể theo nguyện vọng của nhân dân, tháng 8/1975, Tỉnh ủy Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã xây dựng khu mộ của cụ, đến tháng 2/1977 thì hoàn thành.

Năm 1992, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Phía trên ngôi mộ là mái che hình cánh sen cách điệu như bàn tay xòe úp xuống, đầu mái đắp nổi hình tượng chín đầu rồng.

Phía trên ngôi mộ là mái che hình cánh sen cách điệu như bàn tay xòe úp xuống, đầu mái đắp nổi hình tượng chín đầu rồng.

Năm 2010, khu di tích khánh thành công trình "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc", với diện tích sau khi mở rộng gần 9 hecta.

Ngôi mộ được quay về hướng đông, phía trên ngôi mộ là mái che hình cánh sen cách điệu như bàn tay xòe úp xuống, đầu mái đắp nổi hình tượng chín đầu rồng, mang ý nghĩa tượng trưng cho nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long luôn bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước.

Ngoài khu mộ, công trình còn có nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp của cụ Nguyễn Sinh Sắc và phục dựng lại một góc của làng Hòa An xưa - nơi lần đầu tiên cụ Nguyễn Sinh Sắc đặt chân tới hoạt động cách mạng, bốc thuốc trị bệnh phục vụ nhân dân…

Ngôi nhà sàn trong khuôn viên khu di tích được phục chế và trưng bày giống như Nhà sàn của Bác Hồ tại Hà Nội.

Ngôi nhà sàn trong khuôn viên khu di tích được phục chế và trưng bày giống như Nhà sàn của Bác Hồ tại Hà Nội.

Đặc biệt, trong khuôn viên khu di tích có mô hình Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng theo tỷ lệ 1:1 từ kích thước, kiểu dáng cho đến các hiện vật đều được phục chế và trưng bày giống như Nhà sàn của Bác Hồ tại Hà Nội.

Với ý nghĩa Đồng Tháp muốn đưa Bác về cạnh ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và để nhân dân miền Nam không có điều kiện ra thăm nhà sàn của Bác ở Hà Nội, khi đến đây cũng hình dung được Bác Hồ, một vị Chủ tịch nước đã sống và làm việc thế nào.

Ngoài ra, nơi đây còn có Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh diện tích 600m2, với hơn 200 hình ảnh, hiện vật theo 6 chuyên đề, phản ánh có hệ thống cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước

Cũng theo bà Ngoa, ngày nay, khu mộ cụ sừng sững, trường tồn như đài sen trắng vươn lên trên Đất Sen hồng. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp vinh dự được thay mặt đồng bào cả nước và dòng họ Nguyễn Sinh trông coi khu mộ, hương khói thờ cúng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước.

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước.

Sau gần 50 năm đi vào hoạt động, khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đón tiếp và phục vụ chu đáo hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Đây là một công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, góp phần phát huy, lan tỏa giá trị khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, không những thực hiện tốt chức năng giáo dục, nghiên cứu lịch sử mà còn là "địa chỉ đỏ" trong hành trình về nguồn của cán bộ, đảng viên, các em học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, khu di tích đã vinh dự đón tiếp các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, tại đây, các đoàn thể thường xuyên tổ chức sinh hoạt truyền thống, tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên, Đoàn viên mới, Lễ Báo công với Cụ, với Bác Hồ nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.

Nhiều hoạt động ý nghĩa được tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhân lễ giỗ lần thứ 95 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Nhiều hoạt động ý nghĩa được tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhân lễ giỗ lần thứ 95 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Đến tham quan khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhân lễ giỗ lần thứ 95, bà Hiền (50 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) cho biết: "Nhiều lần tôi đến viếng thăm khu di tích mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhưng mỗi lần đến đều cảm thấy xúc động. Bởi, nơi chôn cất cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc như địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay".

"Khi tôi đến tỉnh Đồng Tháp và ghé thăm khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tôi cảm thấy rất rất vinh dự và tự hào. Vinh dự là vì được viếng thăm nơi chôn cất thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn tự hào vì Đồng Tháp đã từng là nơi được người chí sĩ Việt Nam chọn để hoạt động Cách mạng", chị Nguyễn Hồng Vân (34 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ.

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc tại phường 4, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) được khởi công xây dựng vào ngày 22/8/1975 và khánh thành vào ngày 13/2/1977. Đến ngày 9/4/1992 Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hằng năm được diễn ra trong 3 ngày 25, 26 và 27 tháng 10 âm lịch theo nghi thức dân gian truyền thống, gồm: Lễ cúng Tiên thường, Chính Lễ và Lễ cúng Hậu thường.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-canh-khu-di-tich-nguyen-sinh-sac-o-dong-thap-192240705222213379.htm