Cận cảnh 'lỗ hổng' ngân sách Ukraine, chờ viện trợ quốc tế để lấp đầy
Một trong những bất ổn chiến lược lớn nhất của Ukraine là liệu viện trợ quốc tế có đến và đến kịp để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế 'rất, rất đau thương' hay không.
Chuẩn bị bước vào năm thứ 3 xung đột quân sự trực tiếp với Nga, Ukraine đang đối mặt với “lỗ hổng” ngân sách khổng lồ. Hơn bao giờ hết, quốc gia Đông Âu đang rất cần tiền.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Kiev sẽ chăm chú theo dõi Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng tới, với hy vọng sẽ nhận được đảm bảo về gói viện trợ 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) cho 4 năm, từ 2024 đến 2027.
Sau gần 3 năm giao tranh, một trong những bất ổn chiến lược lớn nhất của Ukraine là xoay quanh việc liệu viện trợ quốc tế có đến và đến kịp để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế “rất, rất đau thương” hay không.
Ngân sách năm 2024 của Ukraine phân bổ gần 40 tỷ USD – gần một nửa tổng chi phí – cho quốc phòng, gần như hoàn toàn được chi trả bằng thuế. Theo đó, hơn 40 tỷ USD còn lại được dùng để đảm bảo sự hoạt động của bộ máy nhà nước, từ an sinh xã hội đến hệ thống chăm sóc sức khỏe.
“Đừng phóng đại sự phụ thuộc của ngân sách Ukraine vào hỗ trợ bên ngoài”, các chuyên gia từ Trung tâm Tài chính Công và Quản trị tại Trường Kinh tế Kyiv (KSE) cho biết trong một phàn hồi đối với các câu hỏi từ trang Politico EU.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ukraine sẽ cần ít nhất 37 tỷ USD hỗ trợ bên ngoài trong năm nay, phần lớn trong số đó sẽ đến từ EU và Mỹ. Nhưng cả 2 nhà tài trợ này đều chưa đưa ra quyết định cuối cùng về số tiền viện trợ cũng như các điều kiện.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 1/2 tới để giải quyết vấn đề hỗ trợ cho Ukraine, với hy vọng vượt qua – hoặc phá vỡ – sự phản đối của Hungary.
Trong một cuộc phỏng vấn với Politico EU hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko đã kêu gọi các đồng minh châu Âu “mở khóa” gói hỗ trợ quan trọng này, cảnh báo rằng sự sụp đổ kinh tế của đất nước ông sẽ “rất, rất đau thương không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với toàn bộ châu Âu”.
Ukraine sẽ có thể tồn tại sau một số sự chậm trễ trong hỗ trợ của phương Tây bằng cách tăng thuế, bán trái phiếu chính phủ hoặc nhận được hỗ trợ từng phần từ các đối tác quốc tế khác, các chuyên gia từ KSE cho biết, nhưng cảnh báo rằng những giải pháp đó sẽ chỉ là tạm thời.
Về lâu dài “không có giải pháp thay thế tương đương nào ngoài hỗ trợ tài chính bên ngoài để thực hiện mọi nghĩa vụ ngân sách ở Ukraine”, các chuyên gia cho biết. “Nếu đất nước vẫn tồn tại sau một số sự chậm trễ trong hỗ trợ của phương Tây, mặc dù gây ra những hậu quả tiêu cực về kinh tế, thì việc ngừng hỗ trợ hoàn toàn sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống ngân sách”.
Vậy tình hình tài chính đối với Ukraine đang tệ đến mức nào? Politico EU đã phân tích những con số về ngân sách nhà nước của Kiev để có cái nhìn cận cảnh hơn.
Chi phí chiến sự đắt đỏ
Cụ thể, theo ngân sách sửa đổi chính thức, chi cho Bộ Quốc phòng Ukraine là hạng mục chi tiêu chính vào năm 2023. Riêng số tiền dành cho hạng mục này đã vượt quá toàn bộ chi phí cho năm 2019.
Khi bắt đầu cuộc chiến với Nga vào đầu năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tăng lương đáng kể cho binh lính ngoài mức lương cơ bản của họ, điều này khiến ngân sách chính phủ ngày càng căng thẳng. Bất chấp việc sửa đổi cơ cấu tiền lương vào tháng 3 năm ngoái, trong đó hạn chế tiền thưởng cho binh lính chiến đấu ở tiền tuyến, lương quân nhân vẫn chiếm gần 1/3 tổng chi tiêu hiện tại của chính phủ vào năm 2023.
Ngân sách ban đầu được phân bổ cho Bộ Quốc phòng Ukraine vào năm 2023 lên tới 39,4 tỷ USD. Sau đó nó được sửa đổi thành 56,3 tỷ USD để bù đắp chi phí ngày càng tăng của cuộc xung đột.
Trong ngân sách năm 2024, khoảng 28,6 tỷ USD đã được dành cho Bộ Quốc phòng Ukraine – con số này tương đương với số tiền chi trong 7 tháng đầu năm ngoái. Theo KSE, nếu cuộc chiến tiếp diễn đến cuối năm 2024, rất có thể ngân sách sẽ phải xem xét lại.
Hiện tại số tiền được phân bổ cho Bộ quốc phòng Ukraine chiếm phần lớn trong ngân sách chi tiêu quốc phòng của Ukraine cho năm 2024.
Việc vay nợ đã giữ cho ngân sách nhà nước ổn định kể từ khi bắt đầu chiến sự, khiến nợ chính phủ tăng lên đáng kể. Theo IMF, nợ của Ukraine sẽ trở nên không bền vững nếu không tái cơ cấu và cải cách tài chính.
Nguồn tài trợ chính
Cho đến năm 2022, Ukraine chủ yếu tài trợ cho chi tiêu của mình thông qua vay trong nước – bán trái phiếu do chính phủ phát hành cho các nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức. Các khoản vay từ các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế khác như IMF đã trở nên phổ biến vào năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục như vậy vào năm 2024.
Vào tháng 7/2022, Chính phủ Ukraine đã đàm phán về việc tạm dừng nghĩa vụ thanh toán với các chủ nợ bên ngoài, dự kiến kéo dài đến năm 2027. Vì lý do này, khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế của quốc gia đã bị đình chỉ, khiến quốc gia này chỉ phụ thuộc vào các thỏa thuận từng phần với các chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Kể từ khi bắt đầu xung đột, EU là nguồn tài trợ bên ngoài chính cho ngân sách nhà nước Ukraine, cung cấp 27,5 tỷ USD cho các khoản vay và trợ cấp, tương đương 37% tổng kinh phí.
Bất chấp nỗ lực huy động nội lực, Ukraine vẫn sẽ phụ thuộc vào nguồn tài trợ bên ngoài trong những năm tới. Ước tính của IMF từ tháng 11/2023 cho thấy thâm hụt nguồn tài trợ bên ngoài của quốc gia này sẽ lên tới ít nhất 85,2 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2027. Sự thiếu hụt có thể gia tăng theo một “kịch bản bất lợi”, trong bối cảnh một cuộc xung đột kéo dài và căng thẳng hơn.
Thực ra, IMF đã là một trong những chủ nợ quốc tế chính của Ukraine ngay cả trước khi giao tranh với Nga. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, IMF đã tăng cường sự hỗ trợ của mình nhiều hơn thông qua Cơ chế Quỹ mở rộng (EFF).
IMF sẽ giải ngân theo từng đợt cho đến năm 2027 sau các đợt xem xét thường xuyên. Song song đó, Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ đáng kể, lên tới hơn 30 tỷ USD.
Mong chờ tín hiệu tích cực
Trong bối cảnh chiến sự chưa thấy hồi kết và số phận bất định của viện trợ quốc tế, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã đưa ra những nhận định tích cực sau cuộc gặp với người đồng cấp Slovakia Robert Fico tại thành phố Uzhhorod ở miền Tây Ukraine.
Ông Shmyhal tuyên bố rằng tất cả 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý sơ bộ ủng hộ chương trình hỗ trợ 4 năm trị giá 50 tỷ Euro của khối này cho Ukraine, được gọi là Cơ sở Ukraine, trang Euromaidan dẫn thông tin từ trang web chính thức của chính phủ Ukraine cho biết hôm 26/1.
Thủ tướng Ukraine hy vọng EU có thể cung cấp hỗ trợ tài chính vào năm 2024 ở mức gần bằng năm 2023, bù đắp thâm hụt ngân sách Ukraine. Chương trình tài trợ sẽ cho phép Chính phủ ở Kiev nhận được 12,5 tỷ Euro mỗi năm trong giai đoạn 2024-2027, hỗ trợ ổn định tài chính vĩ mô và góp phần phục hồi và hiện đại hóa Ukraine trong quá trình hội nhập châu Âu.
Thủ tướng Ukraine cũng tuyên bố rằng Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định gói hỗ trợ 11,8 tỷ USD cho Ukraine trong năm nay, với niềm lạc quan về sự “bật đèn xanh” của Quốc hội Mỹ.
Đáng chú ý, Hungary vẫn chưa công khai từ bỏ ý định phủ quyết đối với gói viện trợ 50 tỷ Euro cho Ukraine. Tuy nhiên, Bloomberg đưa tin, Hungary có thể ngừng phản đối việc thành lập quỹ viện trợ quốc phòng hàng năm trị giá 5 tỷ Euro cho Kiev. Theo Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen, Budapest đã đưa ra một “tín hiệu tích cực” cho thấy rằng họ sẽ không phản đối khoản tài trợ cho Ukraine nữa.
Politico EU cũng cho biết các nhà lãnh đạo EU sẵn sàng tước quyền bỏ phiếu của Hungary trong Hội đồng châu Âu nếu Budapest tiếp tục chặn viện trợ cho Ukraine tại Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 1/2 tới.
Trong khi đó, Slovakia mới đây đã thay đổi lập trường của mình với Ukraine và cam kết không cùng Hungary ngăn chặn chương trình viện trợ.
Minh Đức (Theo Politico EU, Euromaidan)