Ra mắt vào năm 1924, Bugatti Type 35 với thiết kế thanh lịch, khung xe nhẹ cùng động cơ mạnh mẽ và có hiệu suất cao đã trở thành một trong những tiền thân của các mẫu siêu xe thể thao hiện đại ngày nay như Bugatti Chiron, Chiron Sport và Divo.
Được trang bị động cơ 8 xi-lanh, dung tích 1.991cc, vào năm 1924, chiếc Type 35 đầu tiên đạt công suất 90 mã lực đối với phiên bản dành cho đường đua.
Đến đầu năm 1926, động cơ đã được nâng cấp lên 2.262cc. Mẫu xe này được đặt tên là Type 35T biểu thị cho Targa, kết quả nâng cấp hiệu suất đã giúp chiếc xe mới giành chiến thắng trong cuộc đua đường trường Targa Florio vĩ đại ở Ý.
Tuy nhiên, điều có lẽ ít được biết đến hơn là mặc dù ưa thích động cơ hút khí tự nhiên nhưng Bugatti vẫn hướng tới tương lai và sử dụng động cơ cảm ứng cưỡng bức, sử dụng bộ siêu tăng áp, ngay cả trước khi Type 35 ra mắt cuộc đua ở Lyon vào tháng 8/1924.
Bugatti đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một thiết kế cánh quạt quay có thể cung cấp thêm năng lượng theo yêu cầu khi người lái sử dụng bằng cách đưa luồng không khí có áp suất vào trong bộ chế hòa khí.
Ettore Bugatti đã phát triển bộ siêu tăng áp kiểu Roots của riêng mình với sự hỗ trợ của kỹ sư nổi tiếng người Ý - Edmond Moglia.
Trong một bước cải tiến hơn nữa, ống dẫn khí thải động cơ được dung hòa nhiệt độ bằng chất làm mát động cơ. Điều này giúp tăng nhiệt độ nóng lên nhanh hơn nhiều, đồng thời góp phần tăng khả năng làm mát lớn hơn cho chính động cơ. Đây là một nguyên tắc vẫn được áp dụng trong chế tạo động cơ ngày nay.
Xuất hiện vào cuối năm 1926, Type 35TC được đặt tên theo máy nén Targa và đã phát triển thành Type 35B vào năm 1927. Mẫu xe này tạo ra công suất lên tới 130 mã lực, đủ để đẩy xe đạt tốc độ tối đa hơn 205km/h. Đến cuối năm 1930, Type 35B đã phát triển với động cơ hai cam, hai van mỗi xi-lanh. Mẫu xe cũng có nắp bình xăng đôi, hệ thống treo, bánh xe, phanh và lốp nâng cấp cũng như van xả bộ tăng áp gắn phía dưới.
Quyết tâm của Bugatti không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào trong việc theo đuổi hiệu suất tối ưu. Chính vì vậy, ông đã tinh chỉnh mọi bộ phận của hệ thống đốt trong động cơ bao gồm cả hình dáng piston, đầu xi-lanh và thậm chí cả việc sử dụng nhiên liệu cấp khí động học để đem tới cho xe công suất đầu ra đạt mức 140 mã lực.
Ngày nay, tại Molsheim, bên trong Bugatti Atelier, mọi mẫu xe Bugatti đều được lắp ráp thủ công với độ chính xác tuyệt đối theo đúng tinh thần mà Ettore áp dụng cho từng chi tiết của Type 35.
Minh Quân