'Cận cảnh' nghề làm gạch, gốm truyền thống ở An Phước, Vĩnh Long
Lò gạch An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long từ lâu nổi tiếng sản xuất gạch, gốm thủ công. Tuy vậy, để có thể duy trì, tiếp nối và phát triển ngành nghề truyền thống này đòi hỏi nhiều yếu tố từ phía chính quyền và người dân.
Xã An Phước có diện tích gần 23km², dân số hơn 10.000 người, trong đó những người theo nghề làm gạch, gốm truyền thống chỉ chiếm một phần trong số những người dân làm nông nghiệp hoặc công nhân tại các nhà máy.
Lò gạch An Phước, thuộc xã An Phước, nằm gần sông Cổ Chiên và kinh Thầy Cai, thuận lợi cho việc vận chuyển đất sét từ Trà Vinh bằng xuồng ghe hoặc mang gạch thành phẩm đến người dùng với giá 1.000 đồng/viên.
Những người còn theo đuổi công việc tay chân vất vả này đa phần đều ngoài 50 tuổi, có khi là cả một gia đình. Mỗi ngày họ đến lò gạch từ sớm. Đàn ông phụ trách vận chuyển đất sét, tơi nhuyễn bùn trong máy, hay chăm lò liên tục. Trung bình một lò gạch có khoảng 4-5 người vừa làm vừa nghỉ và hỗ trợ nhau.
“Nguyên liệu làm gạch chủ yếu từ đất sét. Sở dĩ nơi đây phát triển được nghề đóng gạch vì đất sét được lấy ở Trà Vinh, cách xã An Phước chừng 60km, mất 1 tiếng đi xe máy. Ở miền quê, việc di chuyển xa để lấy nguyên liệu bằng xe máy về đóng gạch là chuyện bình thường. Đất sét ở tỉnh này chất lượng hơn nhiều nơi khác”, bà Sáu, ngoài 60 tuổi làm việc tại lò gạch, cho biết.
“Gạch được nung bằng trấu. Sau khi nung, gạch nằm trên ngọn là gạch tốt nhất, càng xuống đáy lò thì chất lượng giảm dần, tiếng gạch kêu càng thanh thì chất lượng gạch càng tốt. Gạch chất đầy lò mới chụm bằng trấu đến chín, để thêm một thời gian cho lò nguội rồi mới dỡ lò”, một người thợ vừa cho thêm trấu vào lò đốt, vừa nói.
Bà Sáu kể lò gạch này đã có từ thời mẹ bà còn sống. Lúc trước ở xã có nhiều lò gạch nhưng hiện tại đang sản xuất ít dần. Hai năm gần đây, vì nhu cầu suy giảm cũng như khó khăn trong tìm kiếm nguồn nhiên liệu, vận chuyển nguyên liệu từ nơi khác đến, nên thị trường tiêu thụ chủ yếu chỉ quanh quẩn ở miền Tây.
Bên cạnh đó, người làm gạch phải canh lửa liên tục để đảm bảo chất lượng của gạch, việc này đòi hỏi một sự nhẫn nại nhất định. Thêm nữa, thu nhập không cao nên đa phần thợ là những người trung niên, tuổi đời cao. Những người trẻ tuổi dù tốt nghiệp hết cấp hai hay cấp ba cũng không theo nghề của cha mẹ, bà Sáu tâm sự rồi thở dài và lau vệt mồ hôi đang lăn dài trên má.
Năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít nhằm bảo tồn các lò gạch này, tạo sản phẩm du lịch đặc thù và góp phần chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đề án Di sản đương đại Mang Thít hướng đến mục tiêu tạo sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cụ thể, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060ha thuộc bốn xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm khoảng 5.000ha thuộc 2 xã An Phước và Chánh An sẽ thuộc phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển Đề án.