Theo truyền thuyết xưa, chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ, có lẽ vì vậy mà chùa còn có tên gọi khác là Linh thông cổ tự (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) thuộc thiền phái Lâm Tế.
Không ai nhớ chính xác sự ra đời của ngôi chùa, chỉ biết rằng trên hai tấm bia lớn còn lưu lại tại đây thì chùa đã được xây dựng lại vào năm 1680.
Thời nhà Nguyễn, đời vua Thành Thái năm thứ 11 (1899) chùa Nôm lại được trùng tu thêm lần nữa. Qua bao biến cố, chùa được trùng tu nhiều lần, trở thành ngôi chùa khang trang ngày nay.
Chùa nằm trong một quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình thành lập làng Nôm. Đó là đình Tam Giang thờ vị tướng thời Hai Bà Trưng. Đó là cây cầu đá gồm 9 nhịp đầu rồng đã mấy trăm năm soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức. Chiếc cầu đá bắc qua bờ sông này đã tồn tại trên 200 năm.
Ngay cạnh đó là chiếc giếng cổ mới được nhà chùa tìm thấy khoảng năm 1998.
Điều đặc biệt là, tại chùa Nôm hiện có đến hơn 100 pho tượng cổ bằng đất như Tam thánh, Tam thế, A Di Đà, Phật bà, Bát bộ kim cương, Thập bát la hán... ước tính hàng trăm năm tuổi. Một số nhà khoa học cho rằng có những pho tượng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc tượng thế kỷ 10 - 13.
Dọc hai bên, mỗi hành lang có đến 20 pho tượng lớn nhỏ, với các trạng thái mô tả con đường hành Phật.
Qua cầu đá mô phỏng cây cầu Nôm cổ, lầu Quan Âm lộng lẫy nguy nga như một đài sen in bóng xuống mặt hồ. Không gian như rộng mở, vẻ đẹp của kiến trúc như hòa quyện với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời.
Dù ở bất cứ không gian, thời gian và góc hình nào, vẻ đẹp của chùa Nôm cũng giống như một một bức tranh thủy mặc.
Ở ngôi chùa này, từng trụ cột, kèo bằng gỗ đều rất quý giá vì được làm bằng các loại gỗ quý như lim, sến.
Chùa rộng lớn với nhiều khuôn viên, ngoài chùa chính còn có các gian thờ phụ và các hồ nước bao quanh.
Bia đá cổ trong khuôn viên chùa.
Những họa tiết hoa văn in đậm văn hóa đình chùa Việt Nam.
Những ngôi mộ tháp bằng đá ong ở chùa Nôm.
Ngôi chùa cổ có không gian rộng để người dân và du khách thập phương có thể nán lại lâu hơn.
Phạm Tùng