Cận cảnh nhà cổ hơn 200 tuổi lọt top đẹp nhất Việt Nam

Ngôi nhà hơn 200 tuổi ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được UNESCO công nhận là một trong những nhà cổ dân gian truyền thống đẹp nhất Việt Nam.

Ngôi nhà cổ trên đất Tây Đô (Vĩnh Lộc) là của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng, đời thứ 7 của dòng họ Phạm, cách di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ khoảng 200m. Theo lời kể của ông Tùng, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1810, lúc cụ Tổ đang làm chức quan hàng Bát phẩm trong triều đình nhà Nguyễn.

Trải qua hơn 200 năm, với biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, khí hậu,... ngôi nhà vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Trở thành điểm tham quan du lịch yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.

Ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo

Ông Tùng cho biết, khi xây dựng ngôi nhà, cụ Tổ của ông đã cất công mời nhóm thợ giỏi nhất của Nam Hà cũ (nay là tỉnh Hà Nam) và nhóm thợ mộc làng Đạt Tài (nay là xã Hoằng Đạt, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) về thi công ngôi nhà.

Ngôi nhà có 7 gian, gồm 3 gian chính và 4 gian phụ. Trong đó, 3 gian giữa được gia đình ông Tùng trưng dụng làm nơi thờ cúng và tiếp khách. Toàn bộ căn nhà rộng chừng 9m, dài khoảng 21m, được xây theo kiểu lộn thềm (lối kiến trúc đặc trưng của người Việt xưa kia nhằm tạo nên không gian thoáng đãng, rộng rãi).

Nhà cổ hơn 200 tuổi của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)

Nhà cổ hơn 200 tuổi của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)

Đặc biệt, hầu hết khung nhà, cột, kèo, chèo, cửa,... được làm bằng những loại gỗ quý lúc bấy giờ như xoan, sến, táu. Trong đó, gỗ xoan được sử dụng nhiều nhất bởi đặc tính nhẹ và ít mối mọt.

"Kiến trúc của ngôi nhà theo kiểu chồng rường kẻ truyền, chồng rường kẻ bảy mang đặc trưng của kiểu nhà Bắc Bộ thời bấy giờ. Tiết tấu hoa văn gồm tứ linh là long - ly - quy - phượng và tứ quý gồm tùng - cúc - trúc - mai.

Mỗi họa tiết hoa văn, hình điêu khắc trên các vì kèo đều có ý nghĩa riêng của nó và không trùng lặp mà luôn đối hướng, đối xứng", ông Tùng nói, tay chỉ về các tiết tấu hoa văn trên hệ thống kèo, cột.

Theo quan điểm của người xưa, việc trang trí họa tiết theo tứ linh và tứ quý ngụ ý chỉ sự hòa hợp giữa đất trời, cũng là sự trường thọ bền vững, cao sang và an lạc.

Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1810 theo lối lộn thềm, cửa bức bàn nhiều cánh, có tác dụng điều hòa mở rộng hay đóng hẹp để lấy gió mát hay ánh sáng vào nhà

Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1810 theo lối lộn thềm, cửa bức bàn nhiều cánh, có tác dụng điều hòa mở rộng hay đóng hẹp để lấy gió mát hay ánh sáng vào nhà

Trải qua hơn 2 thế kỷ ngôi nhà vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Chỉ một số trụ cột cái do trải qua thời gian và mưa nắng bị mục và xuống cấp nên được thay mới phần chân cột.

Một trong những lần tu bổ gần đây là vào năm 2002, theo chương trình "Bảo tồn nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam". Chương trình với sự hợp tác giữa Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và tổ chức hợp tác quốc tế của Nhật Bản (Jica).

"Những phần được thay thế hoặc tu sửa lại đều có ghi chép rõ ràng gồm ngày giờ, phần thay mới,...", ông Tùng nói.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ngôi nhà là nơi dự trữ quân lương, tổ chức hội họp và nghỉ ngơi của bộ đội. Hiện nay, ngôi nhà là nơi sinh hoạt của gia đình ông Tùng, cũng là địa điểm tham quan, check-in của đông đảo du khách khi ghé thăm di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Ông Tùng cho biết, mỗi ngày ngôi nhà của gia đình ông đón đông đảo du khách vào tham quan, chụp ảnh. Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã đặt bảng giới thiệu cùng mã QR thuận tiện cho du khách muốn tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc của ngôi nhà.

Nhật Minh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/can-canh-nha-co-hon-200-tuoi-lot-top-dep-nhat-viet-nam-20230912121343782.htm