Tuyến đường 71 nối địa bàn huyện A Lưới và Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) có chiều dài 50km, với đặc thù địa hình dốc, một bên là vực sâu, một bên đồi núi cao, mặt cắt ngang nhiều khe suối, vào mùa mưa lũ, dòng chảy xiết gây nguy cơ sạt lở cao.
Khi triển khai xây dựng các công trình thủy điện bậc thang trên thượng nguồn sông Rào Trăng, các chủ đầu tư đã tự bỏ vốn thi công mở rộng tuyến đường này. Từ đó đến nay, đường 71 trở thành tuyến huyết mạch phục vụ vận hành, cứu hộ cứu nạn của các nhà máy thủy điện A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 và phục vụ dân sinh trong vùng.
Đặc biệt, trên tuyến đường này có một nhà bia được xây dựng tại tiểu khu bảo vệ rừng 67 để tưởng niệm 13 liệt sĩ hi sinh khi đang trên đường làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn những người mất tích trong vụ sạt lở vùi lấp công nhân tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 vào khuya 12/10/2020.
Ngoài phục vụ các nhà máy thủy điện, cũng như người dân thường xuyên vào thăm viếng tại nhà tưởng niệm 13 liệt sĩ, đây cũng là tuyến đường lâm sinh với nhiều diện tích rừng kinh tế của bà con địa phương. Vì vậy, vào mùa khai thác, nhiều phương tiện tải trọng lớn, hoạt động liên tục khiến đường 71 ngày càng xuống cấp. Theo ghi nhận, nhiều đoạn trên tuyến đường đã bong tróc hết lớp thảm nhựa, để lộ mặt đường gồ ghề đá, sỏi.
Nhiều điểm sạt lở cả đất xuống mặt đường...
Tình trạng xuống cấp này đã tồn tại trong thời gian dài, tuy nhiên vẫn chưa được sửa chữa.
Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền cho biết, với địa hình phức tạp, nhiều suối cắt ngang, vào mùa mưa lũ, nguy cơ sạt trượt đất, lũ ống, lũ quét trên tuyến đường 71 là rất cao. Do vậy, để ứng phó với thiên tai, hằng năm vào mùa mưa lũ, địa phương thường xuyên rào chắn, “cấm đường” 71 và bố trí lực lượng công an chốt chặn, ngăn các phương tiện giao thông và người dân trong khu vực lưu thông.
Theo đại diện của các công ty thủy điện, từ năm 2020 đến nay, đường 71 liên tục xuất hiện các điểm sạt trượt, “hở hàm ếch” vào mùa mưa bão. Ngoài yếu tố địa hình, xói lở vào mùa mưa lũ, còn có nguyên nhân khai thác rừng kinh tế, người dân thu mua, vận chuyển gỗ rừng trồng sản xuất nên có nhiều phương tiện tải trọng lớn hoạt động khiến bề mặt đường hư hỏng, sụt lở và xuống cấp gây nguy hiểm cho các phương tiện, người dân lưu thông.
Mới đây, kiểm tra các công trình thủy điện trên thượng nguồn sông Rào Trăng, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận thấy đường 71 phục vụ vận hành các nhà máy thủy điện đã xuống cấp nghiêm trọng, cây cối mọc ra lòng đường che khuất tầm nhìn, có nhiều điểm sạt lở tạo “hàm ếch” gây nguy hiểm.
Để kịp thời phục vụ công tác vận hành, ứng phó thiên tai năm 2024 và an toàn cho công nhân vận hành, trước mắt, Sở Công thương tỉnh này đã yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện phối hợp sửa chữa, san gạt tạm thời tuyến đường, phát quang hành lang tuyến, cắm biển báo cảnh báo tại các vị trí sạt lở.
Các chủ đầu tư công trình thủy điện cũng kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cơ quan, ban ngành quan tâm bố trí một phần kinh phí cùng các chủ đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường 71 để thuận tiện cho việc di chuyển phục vụ công tác vận hành của các nhà máy và người dân trong vùng dự án, nhất là mùa mưa năm 2024.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, tại địa bàn xã Phong Xuân, nguy cơ rất cao xảy ra sạt trượt tuyến giao thông dọc đường 71 từ Phong Xuân đi đến các công trình thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1; nguy cơ rất cao trượt lở đất vùng núi một số vị trí trên địa bàn xã Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn và Phong An. Do vậy, các địa phương, người dân... cần chủ động công tác cảnh báo, đảm bảo an toàn khi di chuyển, qua lại các khu vực nêu trên trong mùa mưa bão.
Lê Kông - Khánh Nguyễn