Cận cảnh tàu sân bay đắt nhất thế giới của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford trị giá 13 tỷ USD sẽ chính thức triển khai cho các hoạt động tác chiến đầy đủ vào đầu tháng 5 tới, đánh dấu cột mốc hoàn tất dự án tàu sân bay đắt đỏ nhất của Hải quân Mỹ.
Sẵn sàng phục vụ sau một thập kỷ chế tạo
Tàu sân bay mới nhất của Hải quân Mỹ, USS Gerald R. Ford (số hiệu CVN 78), sẽ triển khai vào đầu tháng 5 để lần đầu tiên ra khơi cùng phi đội máy bay đầy đủ và các tàu hộ tống với tư cách là một nhóm tác chiến tàu sân bay hoàn chỉnh. Đây là cột mốc quan trọng sau nhiều năm trục trặc khiến con tàu bị trì hoãn và khiến chi phí sản xuất đội lên khá nhiều.
Đại tá Brian Metcalf, giám đốc chương trình của các tàu sân bay lớp Gerald Ford, cho biết tại triển lãm “Sea, Air, Space” ở National Harbor, bang Maryland vào ngày 4/4 rằng USS Gerald Ford đã "chuyển đổi hoàn toàn sang một con tàu đang hoạt động".
Tàu USS Gerald Ford đã hoàn thành "việc triển khai sớm" vào mùa thu năm 2022 và sau đó đã tiến hành huấn luyện "rất thành công" với các hàng không mẫu hạm và các tàu khác của hải quân NATO. Vào đầu tháng này, USS Gerald Ford hoàn thành cuộc tập trận huấn luyện tổng hợp, mà theo ông Metcalf là “bài tập tốt nghiệp để con tàu có thể chính thức triển khai”.
Cuộc tập trận, có tên COMPTUEX, là "vài tuần làm việc với lực lượng không quân và các tàu chiến mà USS Gerald Ford sẽ triển khai cùng. Hải quân Mỹ sẽ chính thức đưa tàu USS Gerald Ford vào phục vụ trong tuần đầu tiên của tháng 5 năm nay", Metcalf nói, đồng thời cho biết thêm rằng đây sẽ là đợt triển khai kéo dài tối thiểu 6 tháng.
Hiện chưa biết hải trình cụ thể của nhóm tác chiến tàu sân bay do USS Gerald Ford dẫn đầu. Nhưng theo thiếu tá Kristi Johnson, phó phòng Các vấn đề công cộng của Hạm đội 2 - Hải quân Mỹ thì việc hoàn thành COMPTUEX có nghĩa là con tàu này “đã sẵn sàng hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác của Mỹ tại bất cứ nơi nào trên thế giới”, cho mọi nhiệm vụ, bao gồm cả việc đảm bảo an ninh hàng hải.
Con tàu hiện đại và đắt đỏ
USS Gerald Ford là lớp tàu sân bay mới đầu tiên kể từ sau khi lớp USS Nimitz gia nhập biên chế vào năm 1975. Chương trình chế tạo lớp tàu sân bay hạt nhân này đã kéo dài tới một thập kỷ do hàng loạt vấn đề với công nghệ mới đã gây ra nhiều năm trì hoãn và đẩy chi phí lên thêm vài tỷ USD so với ước tính ban đầu.
Trong số những công nghệ mới rắc rối nhất của lớp USS Gerald Ford có “Hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS), Thiết bị hãm máy bay tiên tiến (AAG) và Hệ thống thang máy vận chuyển vũ khí tiên tiến (AWE) - tất cả đều được cho là sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn các hệ thống tương tự trên các tàu sân bay cũ.
Quá trình tích hợp khó khăn đối với những công nghệ mới này đã dẫn đến cuộc tranh cãi công khai giữa công ty đóng tàu, các quan chức hải quân, các nhà lập pháp và thậm chí cả cựu Tổng thống Donald Trump, người thường xuyên chỉ trích thiết kế và phần cứng mới của lớp tàu sân bay Gerald Ford.
Đô đốc Michael Gilday, Chỉ huy tác chiến của hải quân Mỹ, vào năm 2021 cũng thừa nhận, việc đưa tới 23 công nghệ mới lên USS Gerald Ford đã dẫn tới việc chậm trễ và làm đội chi phí của con tàu lên tới mức 13 tỷ USD.
Tuy nhiên, Đại tá Brian Metcalf, Giám đốc Chương trình chế tạo tàu sân bay lớp Gerald Ford cho biết, hệ thống phóng máy bay điện từ và thiết bị hãm máy bay tiên tiến "đang hoạt động tốt" và "đang dần trở nên đáng tin cậy” sau khi đã phóng và thu hồi 14.000 lượt máy bay.
"Trên lý thuyết, hệ thống tác chiến của USS Gerald Ford đã đạt yêu cầu", Đại tá Metcalf nói. "Con tàu đã đạt được mọi chứng nhận cần thiết để triển khai, và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng hàng không mẫu hạm này cùng cùng nhóm tác chiến tháp tùng con tàu sẽ đủ khả năng tự bảo vệ mình”.
Dĩ nhiên, mọi đánh giá về USS Gerald Ford còn phải chờ vào các hoạt động thực chiến. Nhưng trên lý thuyết thì so với các tàu sân bay tiền nhiệm lớp Nimitz, con tàu mới trị giá 13 tỷ USD của Hải quân Mỹ vượt trội hơn về nhiều điểm.
Nhờ được tự động hóa ở mức cao nhất nên các tàu lớp Gerald Ford chỉ cần khoảng 4300 nhân sự, trong đó thủy thủ đoàn là 2600 người, ít hơn hẳn so với số lượng nhân sự lên đến 5000 người của các tàu lớp Nimitz.
Lò phản ứng Bechtel A1B mới dành cho lớp Gerald Ford nhỏ hơn và đơn giản hơn nhưng vẫn mạnh hơn nhiều so với lò phản ứng A4W lớp Nimitz. Hai lò phản ứng hạt nhân được lắp đặt trên mỗi tàu sân bay lớp Gerald Ford sẽ cung cấp công suất phát điện lớn hơn ít nhất 25% so với 550 MW của hai lò phản ứng A4W trên tàu sân bay lớp Nimitz. Năng lượng nhiều hơn sẽ giúp con tàu có thể vận hành các hệ thống áo giáp điện từ và súng laser.
Hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) lắp đặt trên tàu USS Gerald Ford có ưu điểm chính so với máy phóng hơi nước là tăng tốc máy bay êm hơn, ít gây căng thẳng hơn cho khung máy bay. EMALS cũng nhẹ hơn, tốn ít chi phí hơn và cần bảo dưỡng ít hơn, đồng thời có thể phóng cả máy bay nặng hơn và nhẹ hơn so với hệ thống chạy bằng hơi nước. Nó cũng làm giảm yêu cầu về nước ngọt của tàu, do đó làm giảm nhu cầu khử muối vốn sử dụng rất nhiều năng lượng.
Thiết bị hãm máy bay tiên tiến (AAG) của USS Gerald Ford sẽ thay thế thiết bị hãm thủy lực MK-7 đang được sử dụng trên 10 hàng không mẫu hạm lớp Nimitz. AAG được thiết kế cho nhiều loại máy bay, bao gồm cả UAV, có khả năng kiểm soát lực hãm tốt hơn đồng thời giảm nhân lực và bảo trì.
Trong khi đó, việc di chuyển vũ khí từ nơi lưu trữ và lắp ráp đến máy bay trên sàn đáp của tàu USS Gerald Ford sẽ hợp lý và nhanh hơn nhờ các thang nâng vũ khí công suất cao sử dụng động cơ tuyến tính. Các thang máy này được bố trí để vũ khí không cần phải băng qua bất kỳ khu vực nào mà máy bay di chuyển, do đó giảm thiểu các xung đột giao thông, khiến việc tái trang bị cho các máy bay có thể diễn ra trong "vài phút thay vì hàng giờ" như trước.
Phi đội hùng hậu và mạnh mẽ hơn
Thiết kế của lớp Gerald Ford đặt trung tâm chỉ huy ở vị trí xa hơn trên sàn đáp so với các tàu sân bay lớp Nimitz, qua đó giải phóng thêm không gian để có thể sẵn sàng cho nhiều máy bay hoạt động hơn. Theo Hải quân Mỹ, những thay đổi như vậy, cùng với công nghệ mới được lắp đặt trên tàu, sẽ hỗ trợ tỷ lệ xuất kích cao hơn 30% so với lớp Nimitz.
Nhờ thiết kế mới, các tàu lớp Gerald Ford có thể mang theo một phi đội rất hùng hậu. Ở cấu hình cơ bản, mỗi hàng không mẫu hạm lớp Gerald Ford sẽ có hai phi đội gồm 10 đến 12 chiếc F-35C, hai phi đội gồm 10 đến 12 chiếc F/A-18E/F Super Hornets, 5 máy bay tấn công điện tử EA-18G Growler, 4 máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm E-2D Hawkeye, và 2 máy bay vận tải loại chuyên dụng trên tàu sân bay C-2 Greyhound hoặc 2 trực thăng cánh quạt nghiêng V-22 Osprey.
Ngoài ra, tàu sẽ mang theo 8 trực thăng đa dụng MH-60S Seahawk và máy bay không người lái thu thập thông tin tình báo và tiếp nhiên liệu MQ-25 Stingray. Loại UAV mới này có thể bay cùng với những chiếc F-35 hoặc /A-18E/F Super Hornets để tiếp nhiên liệu và vận hành cảm biến, giúp mở rộng bán kính chiến đấu cho những chiến đấu cơ lên thêm gần gấp đôi.
THÔNG SỐ KỸ THUẬT CỦA TÀU SÂN BAY USS GERALD FORD (CVN-78)