Cận cảnh tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước ngày đón khách
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành chính thức từ 7h ngày 6/11.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến 13,05km đi trên cao, với 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Hai ga đầu và cuối tuyến là ga Cát Linh và Yên Nghĩa.
Ga Cát Linh nằm ở ngã ba phố Hào Nam - Giảng Võ - Cát Linh, song song với ga Cát Linh là nhà chờ tuyến xe buýt nhanh BRT (phố Giảng Võ), còn đối diện là ga ngầm S10 (phố Cát Linh) của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đang thi công).
Ga Cát Linh có diện tích mặt bằng khoảng 18.000m2, gồm 3 tầng. Tầng 1 nơi khách đến để lên sảnh tầng 2, nơi mua vé, kiểm soát vé, còn tầng 3 là ke ga tàu dừng, đỗ đón trả khách.
Tại ga được bố trí quầy bán vé trực tiếp.
Ngoài ra còn có máy bán vé tự động đã được cài đặt phần mềm bán vé, khi đưa tiền vào và chọn ga đến, máy sẽ tự động nhả vé và tiền thừa (nếu có). Trong thời gian đầu, nhân viên nhà ga sẽ hỗ trợ khách thao tác mua vé.
Sau khi mua vé, khách đến cửa soát vé để quẹt thẻ vào ga.
Khách vào ga cũng sẽ được yêu cầu khai báo y tế thông qua quét mã QR và tuân thủ nguyên tắc "5K".
Thang máy dành cho người khuyết tật vận hành ổn định.
Đối với 11 ga từ Hoàng Cầu đến Yên Nghĩa đều có kết cấu tương tự ga Cát Linh: Từ dưới hè đường được bố trí thang máy, thang bộ đi lên tầng 2 nhà ga để mua vé, qua cửa soát vé. Tầng 3 là ke ga để lên, xuống tàu.
Tại các nhà ga có bộ phận nhân viên trực điều độ, vận hành ga.
Điểm mới của vé tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông so với xe buýt hiện nay là có vé lượt (theo quãng đường và toàn tuyến), vé ngày (đi không giới hạn, bằng hai lần vé lượt toàn tuyến) và vé tháng thực tính 30 ngày. Vé tàu được bảo hiểm theo quy định chung về bảo hiểm đối với khách sử dụng dịch vụ khách công cộng.
Khi tàu đến ga nào, hệ thống đèn báo hiệu sẽ hiển thị tên nhà ga.
7h sáng ngày mai (6/11), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông sẽ khai thác vận hành chính thức. Trong 15 ngày đầu, tàu Cát Linh - Hà Đông chở khách miễn phí.
Ở tuần đầu dự kiến chạy 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 là 10 phút/chuyến, thời gian hoạt động từ 5h30 đến 20h, nếu lượng khách đi đông sẽ điều chỉnh biểu đồ.
Khi chở khách có thu tiền, thời gian mở cửa từ 5h30 đến 22h30, giờ bình thường 10 phút/chuyến, cao điểm 6 phút/chuyến.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và đối ứng trong nước; Mức đầu tư ban đầu là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD) và mức điều chỉnh là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Tháng 10/2011, dự án được chính thức khởi công xây dựng.