Sáng nay (13/1), Bộ GTVT phối hợp với UBND TP. Hà Nội, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức khánh thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Dự án Cát Linh - Hà Đông được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc và vốn trong nước, được khởi công xây dựng từ tháng 10/2011. Bộ GTVT đã nghiệm thu hoàn thành dự án đảm bảo tuân thủ đúng quy định và Hội đồng kiểm tra nhà nước đã chấp thuận kết quả nghiệm thu đủ điều kiện bàn giao dự án đưa vào khai thác. Ngày 6/11/2021, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức bàn giao dự án để Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đưa vào vận hành khai thác giai đoạn đầu.
>
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, đông đảo người dân Thủ đô đã đón nhận và ủng hộ phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Mỗi ngày tuyến đường sắt đô thị này vận chuyển bình quân 14.917 lượt hành khách. Do tình hình Covid-19 phức tạp, gần đây số khách tham quan giảm nhưng người đi làm, đi học bằng vé tháng giữ ổn định và đang có xu hướng tăng, từ 10% ban đầu lên hơn 20% và dự kiến tiếp tục tăng khi học sinh, sinh viên đi học trở lại. Sau hơn hai tháng, ngày khánh thành dự án cũng là thời điểm đơn vị vận hành tàu điện đón hành khách thứ 1 triệu.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tàu điện Cát Linh - Hà Đông sau hơn 2 tháng vận hành đã có lượng hành khách "ruột" sử dụng hàng ngày để đi làm.
Cũng có nhiều hành khách sử dụng tàu điện để đi chơi, check-in
Hành khách Vũ Minh Hoàng (Hà Đông, Hà Nội) hiện đang làm việc cho một cửa hàng về máy tính trên phố Thái Hà, bày tỏ cảm ơn Bộ GTVT, TP. Hà Nội khánh thành, đưa tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác giúp người dân Thủ đô có thêm phương tiện giao thông công cộng, hiện đại, văn minh. Theo anh Hoàng: "Từ ngày có tàu điện cuộc sống của tôi trở nên "an nhàn" hẳn. Đi làm bằng tàu điện, đi chơi bằng tàu điện rất thuận tiện, không phải chật vật trong dòng phương tiện ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi - Láng".
Còn hành khách Nguyễn Thu Phương (Hoàng Mai) cho rằng, sử dụng tàu điện để đi làm, đi học hay đi chơi hiện đang là xu hướng của cả thế giới. Ngồi trên tàu cảm giác thư thả khi có chỗ ngồi rộng, được ngắm được nhiều cảnh đẹp phố phường nơi tàu đi qua
Một cháu bé đang ngắm cảnh từ trên tàu tỏ ra khá thích thú
Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty Hà Nội Metro cho biết, hiện mỗi ngày có 203 chuyến tàu metro Cát Linh - Hà Đông phục vụ chở khách từ 5h30 - 22h. Tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến dừng đón, trả khách tại ga.Vé tàu được ngân sách trợ giá, gồm các loại: vé lượt (8-15 nghìn đồng/lượt, tính theo quãng đường đi), vé ngày (30 nghìn đồng/vé, không hạn chế lượt đi), vé tháng phổ thông (200 nghìn đồng/vé/30 ngày), vé tháng ưu đãi (100.000 đồng/vé dành cho học sinh, sinh viên), vé mua theo hình thức tập thể (30 người trở lên, 140 nghìn đồng/vé) và vé miễn phí (người có vé xe buýt miễn phí).
Hiện tại, điểm trông giữ xe cho khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông đã được bố trí theo hướng thuận tiện cho hành khách.
Người dân muốn đi tàu điện có thể vào gửi xe tại ngay vỉa hè cách nhà ga chừng 100m
Theo Sở GTVT Hà Nội, các điểm gửi xe đều niêm yết giá vé để thu theo đúng quy định của UBND TP. Hà Nội. Trường hợp bị thu quá giá, hành khách có thể phản ánh để đơn vị cấp phép xử lý, thu hồi giấy phép.
Điểm trông giữ ô tô cũng được bố trí để phục vụ khách đi tàu
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt (trực thuộc Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng dự án.Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, vốn vay ODA Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Tuyến đường được thiết kế với khổ đôi, ray tiêu chuẩn 1.435mm, với chiều dài 13,05km đi trên cao, gồm 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người/đoàn, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác 35km/giờ. Với biểu đồ khai thác hiện nay, thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến chỉ hết hơn 23 phút.
Nhóm PV