Cần cấp thiết kiểm soát chất lượng thuốc lá thế hệ mới
Mặc dù các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường chợ đen và trở nên phổ biến trong cộng đồng mạng xã hội...
Ngày 5/7, tại Bộ Tư pháp đã diễn ra hội thảo "Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm" do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.
Hội thảo cập nhật những trao đổi mới nhất giữa các bộ ngành liên quan về chính sách kiểm soát hiệu quả các sản phẩm thuốc lá mới trên cơ sở pháp lý, nhằm ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ, hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, cũng như phù hợp với chủ trương của Chính phủ sau Quyết định số 568/QĐ-TTg.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, thực tế, dù các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường chợ đen và trở nên phổ biến trong cộng đồng mạng xã hội. Việc buôn bán mất kiểm soát, trà trộn các chất độc hại, ma túy vào sản phẩm nhằm dụ dỗ giới trẻ… đang để lại cho xã hội nhiều lo ngại, nhất là khi giới trẻ chịu tác động trực tiếp.
Cũng theo ông Hải, thuốc lá làm nóng bao gồm các điếu thuốc ngắn và dùng thiết bị điện tử để làm nóng tạo ra nicotine; còn thuốc lá điện tử chỉ chứa dung dịch, dễ có khả năng bị trộn lẫn nhiều chất vào.
Theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO), thuốc lá làm nóng cần quản lý theo luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu thông thường. Đó là Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012. Xét trên góc độ luật trong nước, luật cũng đã nêu rõ đối với các sản phẩm chứa thuốc lá thì cần chịu sự kiểm soát dưới luật. Ngoài Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, còn có Luật Đầu tư 2020, Nghị định 67/2013 làm căn cứ pháp lý phục vụ cho việc quản lý thuốc lá làm nóng.
"Chúng ta cần tập trung quản lý để loại bỏ những sản phẩm nhập lậu bị lợi dụng để đưa chất cấm vào, bị kẻ gian dụ dỗ tiếp cận học sinh ở trường học. Đó là giải pháp quản lý hữu hiệu"- ông Hải nói.
Chia sẻ về tầm quan trọng của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới trên thị trường, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: "Hiện nay chưa có sản phẩm thuốc lá nào là không độc hại, thì phải có các chính sách để quản lý. Thứ nhất là chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thứ hai là chính sách bảo vệ giới trẻ. Thứ ba là chính sách quản lý hàng hóa. Thứ tư là chính sách về đối ngoại, phải thực hiện những cam kết về nhân quyền, về môi trường theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Tại hội thảo, ông Trần Thành Trung, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, thuốc lá thế hệ mới chưa có chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành nhưng đã được bày bán trên thị trường và tiếp cận dễ dàng. Những sản phẩm này đa phần là hàng xách tay, nhập lậu, không được quản lý về chất lượng, nguồn gốc. Việc mua bán và quảng cáo các sản phẩm này đều là vi phạm quy định của pháp luật.
Bà Lê Thùy Linh, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, theo WHO, Bộ Y tế và các tổ chức bảo vệ sức khỏe, các loại thuốc lá mới đều có chứa các thành phần độc hại gây hại cho người hút trực tiếp và người xung quanh như thuốc lá truyền thống. Hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là hình thức tiêu thụ thuốc lá.
Do vậy, căn cứ Điều 6 Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC), WHO đã khuyến nghị các quốc gia cấm thuốc lá điện tử hoặc phải có biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử, hạn chế thuốc lá nung nóng.
Tổng kết hội thảo, đại diện các Bộ, ngành liên quan đều nhấn mạnh việc đưa các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử chịu chế tài của pháp luật, không đặt lợi ích kinh tế, nguồn thu của Nhà nước làm trọng tâm. Thay vào đó, mục tiêu chính là để kiềm chế sự lan rộng các sản phẩm này bằng hàng rào pháp lý trên cơ sở bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Do đó, việc hợp pháp hóa sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử một cách có trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan là cần thiết và cấp bách, để từ đó đặt nền móng pháp lý cho việc ngăn chặn hiệu quả các hành vi phạm tội bao gồm buôn lậu, tiếp cận trái phép đến giới trẻ và những người đã cai thuốc, cũng như những tuyên bố khoa học chưa được kiểm chứng, quảng cáo trá hình...
Đây cũng chính là những mục tiêu mà WHO đã đặt ra nhằm chống bình thường hóa việc hút thuốc. Việc sớm hiện thực hóa điều này sẽ giúp đảm bảo mọi sản phẩm thuốc lá đều chịu sự giám sát của luật pháp, tạo sự an tâm cho xã hội, tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trước thềm COP10 sắp tới.