Cần chiến lược chọn lọc thu hút vốn FDI

2025 là năm bản lề để Việt Nam bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên mới. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chọn lọc kỹ dòng vốn FDI một cách có hiệu quả hơn để đáp ứng được nhu cầu của thời đại mới.

Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025: Việt Nam - Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới”

Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025: Việt Nam - Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới”

Những thông tin đáng chú ý trên được các nhà chuyên gia kinh tế phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 - Vietnam Connect Forum 2025 do Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 23/4.

Điểm đến tin cậy cho dòng vốn FDI

Diễn đàn thường niên năm nay tập trung vào 3 nhóm chủ thể chính, gồm: Khu vực doanh nghiệp FDI, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam. Việc tổ chức diễn đàn nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp của khu vực kinh tế FDI, thúc đẩy các địa phương của Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đánh giá, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng với đất nước. 2025 cũng là năm thực hiện tổng kết, đánh giá 40 năm thực hiện đổi mới - năm bản lề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Trong 40 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, nằm trong 15 nước dẫn đầu về thu hút FDI với gần 400 dự án.

Năm 2024, Việt Nam thu hút trên 38 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Hết quý I/2025, cả nước thu hút gần 11 tỷ USD, ghi nhận tăng trưởng 34,7%. Đây là tín hiệu tích cực của môi trường đầu tư toàn cầu có nhiều thách thức.

Tính lũy kế đến ngày 31/3/2025, cả nước có 42.760 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 510,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 327,5 tỷ USD, bằng gần 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

“Giai đoạn 2026-2030, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút mỗi năm khoảng 40-50 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI giải ngân đạt 30-40 tỷ USD mỗi năm”, bà Minh cho hay.

Trong khuôn khổ Diễn đàn năm nay, ông Trần Lưu Quang - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương có buổi gặp gỡ, trao đổi và làm việc với Đoàn lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI tiêu biểu tại Việt Nam, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Nội dung buổi làm việc sẽ trao đổi về thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (thuận lợi, khó khăn, vướng mắc); nhận định, đánh giá tác động của bối cảnh thế giới mới đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp; chiến lược trong thời gian tới của doanh nghiệp tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và thúc đẩy thu hút dự án FDI mới.

Cùng nhận định, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, cho biết kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về FDI luôn nhất quán và xuyên suốt. Điều này được thể hiện qua các kỳ đại hội Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị.

“Quan điểm về thu hút FDI đã nhấn mạnh các tiêu chí như chất lượng, hiệu quả, công nghệ, môi trường thay cho việc chỉ quan tâm tới số lượng, nhất là vốn đăng ký; đặt trọng tâm vào liên kết FDI với doanh nghiệp trong nước; yêu cầu có chính sách khuyến khích cụ thể để thúc đẩy chuỗi giá trị, chuyển giao công nghệ, phát triển các cụm ngành công nghiệp; đặt vấn đề chống chuyển giá, "núp bóng" lên tầm luật hóa và quản lý bằng công nghệ”, ông Sơn khẳng định.

Ông Sơn thông tin, sau gần bốn thập niên đổi mới, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã liên tục được cải thiện thông qua cải cách hành chính, hoàn thiện pháp luật, nâng cấp hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn quốc tế lớn.

Theo số liệu, tính lũy kế đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 510 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 327,5 tỷ USD, bằng gần 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã và đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, Intel, Foxxcon, Amkor...

Riêng năm 2024, FDI đóng góp 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp hơn 20 tỷ USD vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, thống kê sơ bộ cho thấy, khu vực FDI đã góp phần giải quyết khoảng hơn 5 triệu việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đem lại nguồn thu nhập khả quan cho người lao động.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chọn lọc kỹ dòng vốn FDI một cách có hiệu quả hơn để đáp ứng được nhu cầu của thời đại mới

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chọn lọc kỹ dòng vốn FDI một cách có hiệu quả hơn để đáp ứng được nhu cầu của thời đại mới

Dòng vốn FDI là động lực quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cao.

Là đại diện ngân hàng chiếm thị phần trong lĩnh vực cho vay FDI, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Cấp cao Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, trong bối cảnh những dịch chuyển sâu rộng đang tái định hình cục diện thương mại toàn cầu, Việt Nam không chỉ đang nổi lên như một điểm sáng về thu hút dòng vốn FDI mà còn là một trong những thị trường tiềm năng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế.

Theo ông Lim Dyi Chang, Việt Nam không chỉ nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, mà còn đóng vai trò là mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị khu vực, kết nối các nền kinh tế ASEAN

Để phát huy tối đa tiềm năng này, ông Lim Dyi Chang cho rằng Việt Nam cần chuyển mình từ một quốc gia tiếp nhận vốn đơn thuần thành một đối tác chiến lược, chủ động tạo ra giá trị.

“Đặc biệt, thành công của chiến lược FDI không chỉ được đo bằng lượng vốn thu hút, mà quan trọng hơn là hiệu quả mà dòng vốn đó mang lại, qua việc nâng cao năng lực ngành, phát triển cộng đồng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của khu vực”, ông Lim Dyi Chang nhấn mạnh.

Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, vì vậy, để giữ vững và phát triển vị trí là một trung tâm FDI, ông Lim Dyi Chang đề xuất Việt Nam cần tập trung vào 7 yếu tố then chốt nhằm duy trì sự cạnh tranh và bền vững trong tương lai

Thứ nhất, ưu tiên phát triển hạ tầng hiện đại và đồng bộ, đặc biệt trong các lĩnh vực logistics, năng lượng và kết nối số - nền tảng thiết yếu để bảo đảm hiệu quả vận hành và khả năng mở rộng của doanh nghiệp.

Thứ hai, duy trì môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và hiệu quả, từ đó góp phần củng cố lòng tin của nhà đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, tuân thủ quy định và thúc đẩy đổi mới sáng tạo - những yếu tố then chốt cho sức cạnh tranh dài hạn.

Thứ tư, cần duy trì hệ sinh thái tài chính mở và hiệu quả, hỗ trợ luân chuyển vốn, đáp ứng nhu cầu tài trợ đa dạng và thúc đẩy đổi mới tài chính.

Thứ năm, phát triển tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, yếu tố này không chỉ thúc đẩy tiêu dùng nội địa mà còn đóng vai trò quan trọng trong cung ứng lao động có kỹ năng cho Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ sáu, cam kết mạnh mẽ với phát triển bền vững và các tiêu chuẩn ESG, đây là yếu tố thiết yếu trong quyết định đầu tư của các định chế tài chính toàn cầu.

Cuối cùng, cần phát triển chính sách linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số, từ đó tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo trong một môi trường quản trị hiệu quả.

Trong bối cảnh đầy biến động và thách thức hiện nay, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương khẳng định, đây là thời điểm đòi hỏi sự đồng hành chặt chẽ hơn bao giờ hết giữa Đảng, Nhà nước Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, để kiến tạo những giá trị mới.

“Chúng ta không thể đi xa nếu đi riêng rẽ và chỉ có thể bứt phá khi cùng nhau chung vai, sát cánh. Sự hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp FDI, nếu được xây dựng trên nền tảng niềm tin chiến lược và tầm nhìn dài hạn, sẽ là chìa khóa để chúng ta cùng vượt qua những thách thức và cùng chinh phục những “chân trời mới” của sự phát triển bền vững, sáng tạo và thịnh vượng”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Thái Hoàng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-chien-luoc-chon-loc-thu-hut-von-fdi-163245.html