Cần chính sách đồng bộ để người trẻ hiện thực hóa giấc mơ an cư

Theo đánh giá giới chuyên môn, mức lãi suất hợp lý sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó kéo giảm giá thành sản phẩm, giúp người dân dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một trong nhiều yếu tố cần thiết. Nếu không đồng thời tháo gỡ các rào cản về pháp lý, quỹ đất, thủ tục đầu tư thì chính sách tín dụng khó phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp hỗ trợ tích cực người mua nhà

NHNN vừa ban hành hai văn bản số 5312 và 5313/NHNN-CSTT ngày 24/6/2025 quy định mức lãi suất ưu đãi cho vay nhà ở xã hội. Cụ thể, theo văn bản 5312, người dưới 35 tuổi vay mua nhà ở xã hội được hưởng lãi suất 5,9%/năm trong 5 năm đầu thấp hơn 2%/năm so với lãi suất trung bình của 4 ngân hàng quốc doanh. Lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 01/7/2025 đến ngày 31/12/2025. Trong 10 năm tiếp theo, mức giảm là 1%/năm so với lãi suất tham chiếu. Văn bản 5313 quy định lãi suất 5,9%/năm với người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ thuộc diện cải tạo. Với chủ đầu tư dự án, lãi suất áp dụng là 6,4%/năm.

Thông tin tích cực này đang được khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, đón nhận với tâm thế phấn khởi. Chị Linh 35 tuổi – một nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội chia sẻ, với mức lãi suất 5,9%/năm, mỗi tháng chị chỉ phải trả hơn 6 triệu đồng – tương đương số tiền thuê nhà trước đây. “Với mức lãi suất trên việc vay mua nhà không tạo áp lực tài chính quá lớn, mà vẫn đảm bảo được chi tiêu sinh hoạt hàng tháng. Tôi sẽ tìm hiểu dự án nhà xã hội phù hợp để đăng ký mua”, chị phấn khởi chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng đã giảm lãi suất về mức 5,9%/năm phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập trung bình, đặc biệt là người trẻ mới khởi nghiệp. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã chủ động thiết kế gói tín dụng riêng cho đối tượng khách hàng trẻ dưới 35 tuổi với lãi suất ưu đãi thời hạn vay linh hoạt, thủ tục đơn giản.

Nếu chỉ xét riêng mức lãi suất, hiện TPBank và Eximbank đang là hai ngân hàng có mức vay mua nhà ở xã hội thấp nhất dành cho người dưới 35 tuổi ở mức 3,6%/năm và 3,68%/năm Ưu điểm của TPBank là thời gian vay lên đến 35 năm, ân hạn gốc lên tới 5 năm. Trong khi đó, Eximbank lại có lãi suất ưu đãi hơn khi áp dụng trong 36 tháng đầu tiên ở mức 3,68%/năm.

Tại Vietcombank ra mắt sản phẩm tín dụng lãi suất ưu đãi từ 5,2%/năm, áp dụng cho khách hàng 20-35 tuổi. Chương trình này hỗ trợ vay đến 70% giá trị bất động sản, bao gồm căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất ở, ân hạn nợ gốc đến 5 năm. Agribank cũng đưa ra mức lãi suất 5,5%/năm trong 3 năm đầu, hỗ trợ người dân ổn định tài chính khi tiếp cận khoản vay lớn. Thời gian áp dụng đến 31/12/2025.

Ông Phạm Quốc Thanh – Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, ngân hàng đang liên kết với một số chủ đầu tư lớn, sở hữu quỹ đất nhà ở xã hội lớn để đảm bảo khi tháo gỡ về pháp lý các dự án, ngân hàng sẵn sàng triển khai cho vay khách hàng.

Chỉ giảm lãi suất là chưa đủ, cần phối hợp chính sách đồng bộ

Dù chính sách và nguồn vốn dồi dào, đến cuối tháng 4/2025, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được khoảng 3.866 tỷ đồng, tương đương 2,6% tổng quy mô. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thiếu nguồn cung phù hợp và quy trình pháp lý còn nhiều bất cập.

Tính đến ngày 30/4/2025, đã có 38/63 tỉnh, thành phố công bố danh mục hơn 100 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện. Trong số đó, có 53 dự án mà chủ đầu tư đã được vay vốn (trong đó 25 dự án đã ký hợp đồng tín dụng và 28 dự án vay vốn từ quỹ hỗ trợ địa phương), 28 dự án không có nhu cầu vay vốn, còn lại 19 dự án đang trong quá trình thẩm định hồ sơ vay.

Trong khi đó, người dân có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội lại không tìm được dự án phù hợp hoặc gặp khó khăn trong thủ tục và thời gian chờ đợi. Chị Nguyễn Minh Thư – một khách hàng trẻ tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ, thu nhập hai vợ chồng khoảng 20 triệu/tháng, tích lũy được một phần để mua nhà, nhưng không có nhiều lựa chọn nhà ở xã hội gần chỗ làm. Nếu có, thủ tục lại phức tạp và thời gian chờ quá lâu.

Theo đánh giá giới chuyên môn, mức lãi suất hợp lý sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó kéo giảm giá thành sản phẩm, giúp người dân dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một trong nhiều yếu tố cần thiết. Theo ông Nguyễn Văn Đính nếu chỉ giảm lãi suất mà không tháo gỡ nút thắt về nguồn cung, quỹ đất, thủ tục đầu tư và quy trình xét duyệt hồ sơ thì khó đẩy nhanh giải ngân cho vay nhà ở xã hội, chính sách tín dụng khó phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Để đẩy nhanh tiến độ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 201 thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trong đó có quy định miễn giấy phép xây dựng, tích hợp hồ sơ... Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thủ tục sẽ cắt giảm được ít nhất 350 ngày.

Ở góc độ ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đề nghị các bộ, cơ quan khẩn trương triển khai các giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết 201/2025/QH15, đặc biệt là nội dung giải pháp thành lập Quỹ nhà ở quốc gia và các giải pháp để tăng nguồn cung.

NHNN kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát đánh giá, nhu cầu của người dân tại các địa phương để có định hướng phát triển nhà ở phù hợp; rà soát các vướng mắc tại các dự án để có giải pháp tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung nhà ở xã hội tại địa bàn. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn tín dụng cụ thể đối với từng dự án nhà ở xã hội theo từng năm để các NHTM chủ động cân đối nguồn vốn để cho vay tránh lãng phí nguồn lực; đánh giá nhu cầu của người dân tại các địa phương là mua hay thuê nhà để xây dựng định hướng phát triển nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu. Ngoài ra, với các địa phương, cần tiếp tục rà soát, khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư để các NHTM có cơ sở xem xét, cho vay.

Để khuyến khích doanh nghiệp BĐS đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, theo ông Nguyễn Văn Đính, cần đưa phát triển nhà ở xã hội thành một phần trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, có KPI cụ thể, có cơ chế kiểm soát, xử lý rõ ràng nếu không hoàn thành chỉ tiêu. Việc quy hoạch, dành quỹ đất, hỗ trợ chủ đầu tư và đơn giản hóa thủ tục hành chính cần được đặt đúng vị trí trong chính sách phát triển đô thị.

Chỉ khi nguồn cung được khai thông, quy trình được rút gọn và các bên cùng phối hợp hiệu quả, dòng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng mới thực sự đến đúng nơi cần đến, đưa chính sách vào cuộc sống, giúp người trẻ tiến gần hơn với giấc mơ an cư.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-chinh-sach-dong-bo-de-nguoi-tre-hien-thuc-hoa-giac-mo-an-cu-166853.html