Cần chính sách đột phá nhà trên kênh rạch

TPHCM rất muốn giải quyết nhanh và dứt điểm nhà ven và trên kênh rạch, nhưng hiện còn quá nhiều nút thắt, rào cản khiến cho chương trình có ý nghĩa này không có nhiều tiến triển.

TPHCM cần di dời toàn bộ khoảng 22.000 căn nhà ven và trên kênh rạch để chỉnh trang đô thị.

TPHCM cần di dời toàn bộ khoảng 22.000 căn nhà ven và trên kênh rạch để chỉnh trang đô thị.

Không đồng thuận trong đền bù giải tỏa

Từ 1975 đến nay, duy nhất chỉ có dự án kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè là giải quyết dứt điểm 9km chiều dài liền mạch từ đầu đến cuối kênh. Các dự án sau đó chỉ giải quyết được từng đoạn, như dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm được (4,5km), kênh Hàng Bàng (600m), và một vài đoạn ở các quận huyện.

Gần đây, TPHCM quyết tâm khơi thông các tuyến kênh như Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, nhưng xem ra rất khó hoàn thành theo kế hoạch. Một trong những nguyên dân dẫn đến tình trạng này là công tác giải tỏa, di dời nhà trên kênh rạch.

TPHCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, di dời toàn bộ khoảng 22.000 căn nhà ven và trên kênh rạch để chỉnh trang đô thị. Trước mắt, giai đoạn 2021-2025 sẽ di dời 6.500 căn, tuy nhiên đến cuối năm 2023, TPHCM chỉ hoàn tất công tác bồi thường, di dời được gần 700/6.500 căn nhà ven và trên kênh rạch, đạt hơn 10%. So với mục tiêu đề ra, kết quả trên quá khiêm tốn, trong khi thời gian thực hiện còn chưa đầy 2 năm.

Hầu như dự án nào cũng bị chựng lại, hoặc không triển khai được do vướng đền bù giải tỏa. Ngay như dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, được coi là thuận lợi nhất so với các dự án khác, cũng có nguy cơ bị chậm tiến độ vì vướng một số hộ dân chưa chịu di dời.

Dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 không triển khai được, do 163 hộ dân dọc kênh không chịu nhận bồi thường, hoặc nhận bồi thường nhưng không bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Cụ thể còn 163 hộ dân dọc đường Phan Văn Khỏe có mặt bằng đang kinh doanh, cho thuê không đồng ý di dời; 85 hộ thậm chí không chịu nhận tiền đền bù; 78 hộ đã nhận tiền nhưng không đồng ý giao mặt bằng.

Vấn đề chính là người dân cho rằng tiền đền bù quá thấp, không thể đủ tạo dựng nơi ở mới được. Theo quy định của Luật Đất đai cũ và Quyết định 28 của UBND TPHCM, nhà trên, ven kênh rạch là nhà lấn chiếm, tùy theo thời điểm sử dụng sẽ có mức hỗ trợ nhất định.

Trường hợp ở trước ngày 15-10-1993, được hỗ trợ 40% đơn giá đất ở; sau thời điểm này đến 1-7-2004 tỷ lệ hạ xuống còn 30%; từ mốc 1-7-2004 trở về sau không được hỗ trợ. Nếu người dân xây dựng, lấn chiếm trên kênh tiêu, thoát nước mức hỗ trợ còn thấp hơn. Người dân chỉ nhận được đủ mức hỗ trợ nếu bị giải tỏa trắng, trường hợp bị di dời một phần chỉ được nhận một nửa.

Chính sách này không nhận được sự đồng thuận của người dân, cho nên tình trạng cứ lùng nhùng mãi không có lối ra.

Chính sách đền bù mới vẫn chưa đủ

Vận dụng Luật Đất đai 2024 và Nghị quyết 98, TPHCM ban hành và đề xuất một loạt các chính sách mới như tăng mức hỗ trợ, điều chỉnh giá đền bù, đẩy nhanh giải tỏa giúp cải tạo, chỉnh trang kênh rạch. Mới đây, Sở Tài nguyên-Môi trường còn đề nghị đất trên và ven kênh rạch sử dụng trước 1-7-2014, sẽ được hỗ trợ chung một mức 70% giá bồi thường đất ở.

Việc này được áp dụng thống nhất, không phân biệt bị thu hồi một phần hay toàn bộ trên kênh tiêu, thoát nước. So với mức đền bù cũ mức này cao hơn hẳn.

Thí dụ, ông A có nhà đất cả trên bờ và dưới kênh là 30m2 ở bờ Bắc kênh Đôi, theo đơn giá đền bù cũ mỗi m2 đất ở 30 triệu đồng, thì gia đình ông A có 10m2 trên bờ sẽ nhận được hơn 300 triệu đồng. Với số tiền này họ không thể mua được căn hộ tái định cư, trường hợp cho trả góp, số tiền hàng tháng sau này sẽ rất cao.

Tuy nhiên, khi áp dụng mức hỗ trợ mới, gia đình này sẽ nhận được 630 triệu đồng. Với số tiền này gia đình ông A có thể mua được căn hộ 30m2, hoặc đủ tiền thuê 1 căn hộ nhỏ với giá 3 triệu đồng/tháng trong chung cư nhà ở xã hội.

Đề xuất này được coi là một bước tiến mới, nhưng chưa đủ làm thay đổi được bức tranh nhà ở trên kênh rạch. Bởi tất cả những hộ gia đình làm nhà ở trên kênh đều là diện lấn chiếm tự phát (tạm gọi là bất hợp pháp), điều đó có nghĩa là họ không có giấy tờ chủ quyền nhà, thậm chí rất nhiều trong số họ còn không có giấy tờ cư trú hợp lệ.

Theo Quyết định 28 của UBND TPHCM, các trường hợp này sẽ không đủ điều kiện bố trí tái định cư, hoặc hưởng chính sách nhà ở xã hội. Hiển nhiên là họ không có tiền đền bù cho đất ở, mà chỉ là tiền hỗ trợ di dời và đền bù công trình trên mặt nước. Nhưng nhà của họ không có giá trị gì về mặt thương mại, trước đây người ta gọi là “nhà ổ chuột”.

Trở lại với dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải giải tỏa trắng 7.000 hộ dân. Năm 1993, TPHCM khởi động dự án này, trong đó đa phần là từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), mà các định chế quốc tế khi cho vay ưu đãi kèm theo các ràng buộc rất khắt khe, nếu không đáp ứng sẽ từ chối hoặc ngưng tài trợ hay cho vay.

Một trong số các điều khoản là phải tái định cư, ổn định cuộc sống cho tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi dự án. Do vậy, thời điểm đó, TPHCM đã “mạnh tay” cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Hiện nay Việt Nam ra khỏi nhóm nghèo, vào nhóm thu nhập trung bình, nên các khoản vay ưu đãi sẽ không còn. Và chính sách hỗ trợ như đã từng thực hiện với dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng phải dừng lại.

TPHCM hiện có 3 dạng nhà trong diện giải tỏa. Thứ nhất là nhà nằm hoàn toàn trên đất sát kênh, loại nhà này không làm tắc nghẽn dòng chảy của nước, nhưng phải giải tỏa vì nằm trong biên mở rộng của dự án.

Thứ hai là nhà nửa đất, nửa nước, tức là có một phần trên bờ, một phần dưới kênh, thường là 40% trên đất, 60% dưới mặt nước. Thứ ba là nhóm ở hoàn toàn trên mặt kênh.

Chính vì vậy, TPHCM nếu muốn dọn sạch nhà ở trên kênh rạch buộc phải tập trung cho nhóm thứ 3. Thực tế cho thấy, nhóm này thường nấn ná không muốn di dời cho dù chính quyền đốc thúc, động viên hay hỗ trợ, bởi họ thấy ở trên kênh dù nhếch nhác nhưng lại có chỗ sống qua ngày.

Từ dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm cho thấy, nhiều hộ gia đình được bố trí vào chung cư, chỉ một thời gian ngắn là họ sang nhượng để chuyển đi nơi khác, có không ít hộ lại tạo lập ra một căn nhà trên kênh rạch ở một chỗ nào đó trên những tuyến kênh rạch của TPHCM. Do vậy, TPHCM cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng nhà ở trên kênh rạch.

TS. NGUYỄN MINH Hòa

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/can-chinh-sach-dot-pha-nha-tren-kenh-rach-post116200.html