Cần chính sách hỗ trợ lao động nữ
Những thay đổi của thị trường lao động khiến một bộ phận lao động nữ chịu nhiều áp lực
Lao động nữ (LĐN) là nguồn nhân lực quan trọng và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo số liệu thống kê mới nhất cho thấy LĐN chiếm 46,5% lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, so với nam giới, tỉ lệ LĐN chưa qua đào tạo của cả nước còn ở mức rất cao, lên đến 87,1%. Điều này khiến cơ hội tiếp cận việc làm tốt, thu nhập cao của LĐN nữ bị hạn chế và gặp nhiều thách thức khi phải cân bằng giữa công việc và gia đình.
Ít thời gian cho gia đình
22 năm làm công nhân may, chị Đoàn Thị Kim Thoa (44 tuổi, ngụ Hóc Môn) dành cả tuổi thanh xuân của mình trong xưởng may của một doanh nghiệp (DN) hậu cần quân đội.
Suốt thời gian ấy, lịch trình của chị sáng dậy sớm nấu cơm cho cả gia đình, rồi vượt qua quãng đường gần 10 km để có mặt tại công ty trước 7 giờ. Kết thúc một ngày làm việc của chị bằng bữa cơm một mình ở nhà vào khoảng 21 giờ, lúc chồng chị và 2 con đã chuẩn bị đi ngủ. Mỗi tháng, chị chỉ có 4 ngày chủ nhật là được ăn cơm cùng gia đình nhỏ của mình. "Công việc và thu nhập cũng ổn nhưng tôi không có nhiều thời gian cho chồng con. May mắn là chồng con rất thông cảm nên gia đình vẫn êm ấm nhưng sau nhiều năm làm việc, tôi bắt đầu gặp nhiều vấn đề về mắt, xương khớp và cảm thấy chưa tròn trách nhiệm của người làm vợ làm mẹ" - chị Thoa bộc bạch. Chị Thoa cho biết chồng khuyên chị làm hết năm nay thì xin nghỉ để có thời gian điều trị bệnh và lo cho 2 con gái đang tuổi vị thành niên.
Tuy khác với chị Thoa về công việc nhưng chị Hồ Thị Hồng Loan (45 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và chuyện gia đình sau hơn 20 năm làm việc cho một ngân hàng. Cuối năm 2022, chị Loan quyết định nghỉ việc dù khi đó chị là phó giám đốc một chi nhánh để làm tự do, có thời gian chăm sóc cho hai con trai. "Khi nhận thấy công việc cuốn mình không còn thời gian cho con, tôi bị stress. Là mẹ đơn thân, 2 con tôi đã thiệt thòi rồi nên tôi chọn cách nghỉ việc, tìm công việc phù hợp để tiện chăm con. Từ ngày tôi nghỉ việc, hai cháu vui vẻ hẳn, ăn uống cũng tốt hơn chứ không "cơm hàng cháo chợ" như trước nữa" - chị Loan cho biết.
Tạo việc làm bền vững
Chia sẻ về vấn đề trên, bà Lương Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia, cho rằng áp lực kinh tế và việc cân bằng giữa công việc - gia đình khiến LĐN đang dần kiệt sức.
"Theo quan sát của chúng tôi, khoảng 1/3 LĐN nghỉ việc do quá tải trong công việc và gần một nửa cho biết căng thẳng giữa công việc và gia đình là lý do khiến họ cân nhắc chuyển việc. Xu hướng tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn đang diễn ra mạnh mẽ trong nhóm LĐN trẻ tuổi, đặc biệt là những nữ chưa lập gia đình" - bà Tú Anh cho biết.
ThS Nguyễn Thị Hồng Thủy, Trưởng Bộ môn Xã hội học - Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng Bộ Luật Lao động và các nghị định của Chính phủ, ban ngành rất quan tâm đến LĐN. Nhiều chính sách dành riêng cho LĐN được áp dụng rộng rãi phần nào chia sẻ những khó khăn, thách thức mà bất cứ LĐN nào cũng gặp phải. Tuy vậy, những thay đổi của thị trường lao động đang ngày một áp lực đối với một bộ phận LĐN lớn tuổi. Suy thoái kinh tế đang đe dọa việc làm của nhiều lao động phổ thông, trong đó có LĐN khiến họ luôn lo lắng "mất cần câu cơm" của mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống gia đình của họ.
83% lao động bị Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) cắt giảm là nữ, có đến 54% lao động mất việc trên 40 tuổi. Theo ThS Nguyễn Thị Hồng Thủy, thực tế này cho thấy một chiến lược tạo việc làm bền vững cho LĐN cần phải được tính toán trong thời gian tới. Trong đó, giải pháp căn cơ nhất là có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp cho nữ giới, đặc biệt là LĐN ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, giúp họ tự tin gia nhập thị trường lao động".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/can-chinh-sach-ho-tro-lao-dong-nu-20230306205015882.htm