Cần chính sách minh bạch, hấp dẫn cho chuyển đổi xanh

Đó là kiến nghị của gần 300 đại biểu tham dự diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế TPHCM với chủ đề 'Thúc đẩy các mô hình kinh tế mới hướng tới phát triển bền vững' do Viện Nghiên cứu Phát triển, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng các mô hình hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trở thành yêu cầu cấp bách mà mỗi quốc gia, doanh nghiệp quan tâm. Trong đó, sự phát triển đồng thời cả kinh tế số, kinh tế xanh được coi là trụ cột chính trong nỗ lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

TS Trần Du Lịch lý giải, với những tác động tương hỗ, các công nghệ số hóa góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tự tin chuyển đổi, nhà nước sớm có khuôn khổ pháp lý vững chắc làm động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi.

 Đại biểu thảo luận các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh tại diễn đàn

Đại biểu thảo luận các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh tại diễn đàn

Trên thực tế, TPHCM là một trong 10 thành phố hàng đầu thế giới chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Mặc dù quy mô GRDP thành phố luôn dẫn đầu so với cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đang có dấu hiệu chững lại, thu nhập trung bình của người dân vẫn còn ở mức thấp… Điều này đòi hỏi thành phố phải tìm kiếm các giải pháp, động lực và không gian phát triển kinh tế mới.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã ban hành các chương trình, đề án liên quan để triển khai và phát triển các mô hình kinh tế mới như đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó, tập trung chuyển đổi theo hướng “xanh” và “số” trong cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, thành phố đang xây dựng hệ thống giải pháp, chính sách hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, tập trung hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, công nghệ, tiêu dùng bền vững, trong đó doanh nghiệp là trung tâm trong việc thực hiện chuyển đổi.

Nhìn nhận chung về vấn đề này, chính phủ nhiều nước ngày càng quan tâm và ban hành nhiều quy định liên quan phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội. Trong đó, các chiến lược trong Thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu (EU) là một ví dụ điển hình.

“Tại các quốc gia như Đức, Hàn Quốc hiện đã chuyển đổi và ứng dụng các mô hình kinh doanh mới. Ở Đức, mô hình được phối hợp và thực hiện bởi chính phủ, nhà làm luật, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực cùng tham gia xây dựng các ý tưởng về chuyển đổi xanh một cách sâu sắc, mạnh mẽ và minh bạch. Do đó, Việt Nam cần có một lộ trình chuyển đổi tổng thể và toàn diện, trong đó, các trụ cột chính cần tập trung là khuôn khổ pháp luật, thực hiện các dự án thí điểm, mở rộng các nguồn tài chính xanh” ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ.

Có thể thấy, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với những thách thức về môi trường và phát triển bền vững. Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa các quy trình hoạt động, giảm thiểu chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả. Chuyển đổi xanh tập trung giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm… Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ thúc đẩy sự phát triển các mô hình kinh tế mới, giúp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

ÁI VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-chinh-sach-minh-bach-hap-dan-cho-chuyen-doi-xanh-post754380.html