Cần chính sách phù hợp thúc đẩy ngành công nghiệp 'Make in Việt Nam'
Trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính. Ngành công nghệp của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn 1 là gia công lắp ráp và bắt đầu làm sản phẩm tích hợp...
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề: “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Việt Nam” sáng 14/6, trong khuôn Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với triển khai Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM VẪN GIA CÔNG, LẮP RÁP
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhận định phát triển sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khó khăn và thách thức đan xen.
Cụ thể, ông Sơn dẫn chứng dự báo của Tập đoàn Ericsson, vào năm 2025 khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh. Hiện tại, 7 quốc gia trong khu vực gồm Úc, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan đã triển khai sản xuất những thiết bị công nghệ thông minh 5G. Việt Nam cũng được Ericsson đánh giá là một điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030.
Trong báo cáo công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số của UNIDO Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi Công nghiệp 4.0. Nhập khẩu thiết bị, công nghệ số của Việt Nam đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ đứng thứ 46 và hoạt động sáng chế đứng thứ 48 trong số 150 nền kinh tế.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng dẫn chứng nghiên cứu của Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, công bố tháng 11/2021, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như rô-bốt, sản xuất đắp lớp 3D.
Và báo cáo của CSIRO và Bộ Khoa học và Công nghệ, công bố tháng 3/2021, cho thấy chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; tỷ lệ doanh nghiệp có R&D trong các ngành sản xuất còn rất thấp như: Ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%.
Cho rằng công nghiệp hóa là quá trình dài và cần nhiều kiên trì, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết từ kinh nghiệm từ một số nước châu Á đã thành công trong phát triển công nghiệp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… cơ bản phát triển công nghiệp có 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là gia công lắp ráp để tận dụng nguồn nhân lực, chi phí cạnh tranh… Giai đoạn 2 là làm sản phẩm tích hợp, từng bước tham gia chuỗi cung ứng, từng bước quản lý sản xuất, tối ưu hóa quy trình. Và giai đoạn 3 là làm sản phẩm, tự chủ một số công nghệ lõi.
Ở Việt Nam, theo ông Nghĩa, công nghệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn 1 là gia công lắp ráp và bắt đầu làm sản phẩm tích hợp. Do vậy, sản xuất thông minh sẽ đóng vai trò quan trọng trong tự động hóa các quy trình, tối ưu hóa chi phí sản xuất và nhanh chóng có sản phẩm đến người dùng.
CẦN CHÍNH SÁCH ĐỂ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM LÀM CHỦ SẢN XUẤT, LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ
Cũng tại hội thảo, bà Phan Thị Thanh Ngọc, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số, Công ty công nghệ thông tin VNPT-IT, cho biết công nghiệp công nghệ số là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với 2021. Số lượng doanh nghiệp hơn 70.000. Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD (theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Diễn đàn Make in Vietnam 2022).
Lĩnh vực công nghiệp công nghệ số đang có nhiều tiềm năng tăng trưởng khi mức độ phổ biến ngày càng tăng của công nghệ IoT, sự thâm nhập mạnh mẽ của thương mại điện tử; hay ưu tiên tập trung đầu tư thành phố thông minh của Chính phủ; tăng cường sử dụng các công nghệ 4.0 như AI, AR/VR, Blockchain trong các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó là việc chú trọng đầu tư vào các giải pháp an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu; và sự xuất hiện của mạng 5G và những tác động của nó.
Dù công nghiệp của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn gia công lắp ráp, nhưng theo ông Thiện Nghĩa, ba năm qua, lĩnh vực ICT Việt Nam chứng kiến sự khởi sắc của các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu làm sản phẩm tích hợp, như Tổng công ty Sản xuất Thiết bị (Viettel Manufacturing Corporation), VNPT Technology, Trung Nam EMS… Các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động xác định thị trường phù hợp, phân khúc phù hợp, và có bước đầu tư công nghệ bài bản lâu dài.
Ông Nghĩa ví dụ các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp như Toyota mất 34 năm còn Hyundai mất 28 năm để sản xuất và làm chủ được động cơ ô tô, nhưng như Hyundai mất khoảng 10 năm kinh doanh không có lãi, hoặc được bù đắp từ hoạt động khác cho việc sản xuất ô tô. Nên, nếu nhìn từ góc độ IPO, hay doanh nghiệp lên sàn (chứng khoán) thì chắc chắn Hyundai sẽ không được ủng hộ. Như vậy, theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam muốn làm chủ sản xuất làm chủ công nghệ thì rất cần chính sách phù hợp, và cần được các Chính phủ, Bộ ngành ủng hộ và thúc đẩy trong thời gian tới.
Xác định phát triển sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khó khăn và thách thức, nên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng hội thảo chuyên đề chính là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”; đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam; phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất, đẩy mạnh R&D; phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam.
Đồng thời, qua đó có các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang sản xuất thông minh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số.