Cần chính sách tạo động lực

Giáo viên cốt cán là lực lượng quan trọng của ngành Giáo dục, đặc biệt khi triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Đây là nhân tố được lựa chọn, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, uy tín trong tập thể nhà trường; có năng lực tham mưu, tư vấn, hỗ trợ, dẫn dắt đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn và bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp. Với vai trò đầu tàu, đội ngũ này đã có những đóng góp đắc lực, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn và nhiệm vụ của giáo viên cốt cán được Bộ GD&ĐT quy định cụ thể tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, ngoài nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp trong các hoạt động dạy học, giáo dục, phát triển năng lực chuyên môn nghiệp vụ, giáo viên cốt cán còn tham mưu, tư vấn cho cấp quản lý trực tiếp về xây dựng kế hoạch giáo dục; tham gia tổ chức, báo cáo chuyên môn, nghiệp vụ tại các hội nghị chuyên đề, các buổi sinh hoạt chuyên môn của trường hoặc các trường trên địa bàn…

Vai trò cốt cán thể hiện rõ nhất trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Lực lượng này được xem như cánh tay nối dài giữa trường đại học sư phạm, giảng viên sư phạm với trường và giáo viên phổ thông; hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 theo mô hình bồi dưỡng mới.

Thời gian qua, đội ngũ giáo viên cốt cán ngày càng tăng cường về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông.

Hiện nay, trong các nhà trường đều có lực lượng giáo viên cốt cán; ở cấp tỉnh thường có Hội đồng bộ môn, tập hợp thầy cô có chuyên môn giỏi được chọn từ các trường. Họ là những người đi đầu về nghiên cứu, tiếp thu và chuyển giao các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới cho đồng nghiệp; đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng, uy tín của nhà trường, ngành Giáo dục địa phương.

Tuy nhiên, điều trăn trở là chưa có quy định về chế độ chính sách đối với giáo viên cốt cán, cũng không có nguồn lực nào dành riêng cho đội ngũ này. Mỗi địa phương, nhà trường, tùy điều kiện cụ thể hỗ trợ giáo viên cốt cán ở mức nhất định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệt huyết của đội ngũ, cũng như sự phát triển lớn mạnh lực lượng giáo viên cốt cán ở nhà trường, địa phương.

Hiện nay và tương lai, vai trò giáo viên cốt cán vẫn vô cùng quan trọng. Do đó, phát triển đội ngũ cần được tiếp tục quan tâm một cách thiết thực. Để thực hiện, việc đầu tiên cần làm là nâng cao nhận thức về vai trò, sự cần thiết phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán. Nhận thức thay đổi mới kéo theo hành động và sự quan tâm tương xứng.

Đồng thời, cần có chính sách tạo động lực, môi trường, điều kiện thuận lợi để giáo viên cốt cán thực hiện nhiệm vụ, phát huy năng lực, năng suất, tâm huyết với công việc. Điều này thực hiện đồng bộ với các giải pháp: Lập kế hoạch phát triển đội ngũ cốt cán; tuyển chọn, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên cốt cán; tăng cường kiểm tra, đánh giá và tổ chức bồi dưỡng để đội ngũ phát triển chuyên môn liên tục…

Đặc biệt, phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán cần chủ trương thống nhất của các cấp quản lý; quan tâm đúng mức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, dành cho đội ngũ này nguồn lực thực sự xứng đáng.

Thảo Đan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-chinh-sach-tao-dong-luc-post693827.html