Cần chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm nhiều dự án, nhiều chương trình phức tạp, khó khăn vì vậy cần bố trí các cán bộ có năng lực, có trách nhiệm, đặc biệt là có tâm thực hiện nhiệm vụ.
Ngày 9/11, tại thành phố Pleiku (Gia Lai), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia, đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I từ 2021-2025 và đề xuất nội dung chương trình giai đoạn II từ 2026-2030 khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, nguồn lực thực hiện chương trình các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên dự kiến hơn 22.564 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương đầu tư hỗ trợ hơn 20.529 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 1.707 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác hơn 327 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện giải ngân vốn ngân sách Trung ương của Chương trình Mục tiêu Quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi: Nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2024 đến thời điểm 30/9/2024 của 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên cao hơn so với tỉ lệ bình quân chung của cả nước. Riêng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư của chương trình hiện nay đạt 74,3%, cao hơn gần 1,3 lần so với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước là 57,7%.
Cụ thể, số vốn giải ngân của 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hơn 12.933 tỷ đồng, tương đương 60,6%, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 8.560 tỷ đồng, tương đương 74,3%, vốn sự nghiệp hơn 4.373 tỷ đồng, tương đương 44,5%.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của nhân dân 16 tỉnh trong thực hiện chương trình.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định, nhờ vào những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động cộng đồng, góp phần vào việc duy trì an ninh trật tự tại địa phương.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đây là một chương trình rất đúng và trúng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình đã được triển khai thực hiện và thành công bước đầu.
Qua thực hiện chương trình, đời sống đồng bào được nâng lên đáng kể, hộ nghèo giảm, hạ tầng phát triển, diện mạo vùng dân tộc, miền núi thay đổi nhiều; nhiều chính sách nhân văn đến với người dân; địa phương đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân; thu nhập bình quân tăng đáng kể, đạt trung bình 34,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 2,5 lần so với năm 2019.
Bên cạnh đó, để kịp thời báo cáo, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình giai đoạn II từ năm 2026-2030, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể các dự án của chương trình đã triển khai ở giai đoạn I cần tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, đề xuất, xác định các dự án thiết thực cho giai đoạn II, trong đó tập trung vào các dự án có tác động thúc đẩy và nên có thứ tự ưu tiên đối với các dự án, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các hội nghị tổng kết chương trình cấp vùng và toàn quốc theo hình thức, quy mô phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; rút kinh nghiệm quá trình thiết kế, xây dựng chương trình giai đoạn I để đề xuất chương trình giai đoạn II bảo đảm tiến độ, chất lượng, bám sát thực tiễn và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm nhiều dự án, nhiều chương trình phức tạp, khó khăn vì vậy cần bố trí các cán bộ có năng lực, có trách nhiệm, đặc biệt là có tâm thực hiện nhiệm vụ, góp phần để chương trình đạt kết quả và hiệu quả cao nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta, của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.