Cần chủ động, linh hoạt ứng phó với đại dịch

Dịch COVID-19 kéo dài khiến hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó giáo dục mầm non ngoài công lập đang phải 'cầm cự' trước tác động của dịch bệnh. Để 'bám trụ', ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập cần chủ động ứng phó và biết cách 'sống chung' với đại dịch để tiếp tục góp sức cho sự nghiệp 'trồng người'.

Tiết học với các bé ở Trường mầm non Ban Mai Xanh, phường Tiên Cát, TP Việt Trì.

(baophutho.vn) - Dịch COVID-19 kéo dài khiến hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó giáo dục mầm non ngoài công lập đang phải “cầm cự” trước tác động của dịch bệnh. Để “bám trụ”, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập cần chủ động ứng phó và biết cách “sống chung” với đại dịch để tiếp tục góp sức cho sự nghiệp “trồng người”.
“Đuối sức” vì dịch bệnh
Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, mỗi lần có ca nhiễm ngoài cộng đồng, thực hiện chỉ đạo về giãn cách xã hội, các trường tiểu học, THCS, THPT trong và ngoài công lập đều chuyển sang dạy online nhưng các trường mầm non tư thục hay các nhóm trông, giữ trẻ lập tức “đóng cửa” do đối tượng chăm sóc và dạy học quá nhỏ, việc triển khai mô hình dạy học trực tuyến là điều không tưởng. Đồng lương vốn đã ít, nghỉ học kéo dài khiến cán bộ, giáo viên của hệ thống giáo dục này gặp nhiều khó khăn. Loại hình trường tư thục, mọi hoạt động đều tự thu, tự chi, do đó trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19, học sinh nghỉ học, nhà trường phải bù nhiều khoản chi để duy trì hoạt động. Cô giáo Hoàng Tuyết Hương - Chủ Trường mầm non Ban Mai Xanh, khu Minh Hà, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tâm sự: “Từ năm 2020 đến nay, thực hiện các đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, nhà trường ngừng đón trẻ khoảng bốn tháng. Nghỉ học không có nguồn thu nhưng nhà trường vẫn phải duy trì các hoạt động bảo vệ, vệ sinh, đội ngũ quản lý để sẵn sàng đón trẻ đến trường khi hết giãn cách. Thời gian ngừng đón trẻ, nhà trường mỗi tháng phải bỏ ra gần 100 triệu đóng tiền bảo hiểm để giữ chân đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và các hoạt động thường xuyên khác”. Năm 2020, đợt nghỉ giãn cách xã hội kéo dài khoảng ba tháng, nhiều trường còn tự chủ được phần nào, nhưng năm 2021, có thời điểm khi phát hiện ngoài cộng đồng có ca dương tính với COVID-19 ở một số địa phương, các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục không thể đón trẻ đến trường, khiến các trường “đuối sức”. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hậu - Hiệu trưởng Trường mầm non Trọng Tín, ở khu 5, xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh chia sẻ: “Suốt đợt nghỉ dịch năm ngoái, nhà trường nỗ lực sắp xếp thời gian trông trẻ cho phù hợp để cố gắng xoay sở, đảm bảo tiền lương 3 triệu đồng mỗi tháng cho một giáo viên nhưng năm nay, khi có ca mắc ngoài cộng đồng ở xã Kim Đức, TP Việt Trì, hay ca dương tính ở thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh phát hiện tháng 7/2021, hoạt động trông, giữ trẻ của trường coi như “đóng băng”, nhà trường không có nguồn chi trả lương. Hiện nay, nhà trường phải vay mượn rất nhiều để có tiền đóng bảo hiểm cho giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới”.Học sinh nghỉ học, không thu được học phí đồng nghĩa với người lao động ở các trường và cơ sở giáo dục ngoài công lập không được trả lương nên đời sống cán bộ, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt hơn, với các nhóm trẻ ngoài công lập phải thuê địa điểm, khi không có nguồn thu do bị giãn cách nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng đang rất khó khăn để duy trì hoạt động. “Chúng tôi có hai cơ sở với hơn 40 cán bộ, giáo viên, mỗi tháng phải trả tiền thuê nhà cho hai cơ sở là 50 triệu đồng, cộng các khoản tiền lương, bảo hiểm và cộng số tháng nghỉ vì dịch bệnh nên thực sự là con số chóng mặt. Chúng tôi rất mong có sự quan tâm của Nhà nước với khối các trường, nhóm trẻ tư thục”, cô giáo Nguyễn Nữ Huyền Trang - Chủ cơ sở Mầm Non Gieo, 216 Quang Trung, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì chia sẻ.

Giáo viên Trường Mầm non Trọng Tín, xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh sắp xếp lại khu vui chơi cho trẻ.
Chủ động, linh hoạt để “sống chung” với đại dịch
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 31 trường mầm non tư thục; 56 nhóm, lớp độc lập tư thục được UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập với trên 1.000 giáo viên, cán bộ quản lý. Đây là những đơn vị tự chủ về tài chính, chủ động chi trả lương và bảo hiểm xã hội hàng năm cho nhóm lao động trong hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để bảo đảm một phần cuộc sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên phải nghỉ việc trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo tìm hiểu, đây cũng là nhóm đối tượng số 4 “Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương” theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do COVID -19. Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVD-19. Đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có hướng dẫn về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Căn cứ tình hình thực tế của ngân sách địa phương, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ hai đợt cho các nhóm đối tượng diện đặc biệt khó khăn như: Đối tượng điều trị do nhiễm COVID-19; đối tượng cách ly y tế tập trung để phòng, chống COVID-19; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động mất việc làm; hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch COVID-19… và sẽ xem xét hỗ trợ cho các nhóm đối đượng khác theo quy định.Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tạm thời, giải quyết khó khăn trước mắt. Trong trường hợp dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu trẻ chưa trở lại trường thì giáo viên mầm non ngoài công lập sẽ không thể có thu nhập để trang trải cuộc sống. Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giáo dục mầm non là bậc học có nhiều điểm riêng, đặc thù về chăm sóc và nuôi dạy, do đó cần tăng cường thêm các biện pháp, chính sách phù hợp. Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, cần xem xét thực tế để tổ chức dạy học cho linh hoạt, phù hợp. Trường hợp trẻ phải nghỉ học để phòng chống dịch thì nhà trường cần phối hợp cùng gia đình để có biện pháp giáo dục hiệu quả. Như vậy, cùng với tìm hỗ trợ từ các nguồn khác nhau thì việc các trường chủ động chuyển đổi các mô hình trông, dạy trẻ mùa dịch là rất cần thiết. Các giáo viên mầm non thay vì đến trường sẽ đến từng nhà phụ huynh có nhu cầu. Mức thu nhập của các cô tuy không bằng việc dạy học và chăm sóc nhóm trẻ như khi ở trường nhưng cũng đủ đảm bảo cuộc sống cơ bản. Ban giám hiệu trường cần xây dựng mô hình trường học linh hoạt với giáo án cụ thể cho từng ngày và đảm trách việc điều phối hoạt động giảng dạy, kiểm tra chất lượng buổi học của từng học sinh cụ thể. Về lâu dài, kể cả khi kiểm soát tốt dịch bệnh, mô hình dạy học tại nhà bài bản vẫn có thể thực hiện trong trường hợp học sinh ốm nghỉ hoặc cần nhu cầu giáo dục đặc biệt.

Quỳnh Chi

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202109/can-chu-dong-linh-hoat-ung-pho-voi-dai-dich-179479