Cần chú trọng 'mối liên kết vùng' trong phòng chống dịch Covid-19
TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang cùng nằm trong 'Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam', lại có vị trí địa lý giáp nhau. Chính vì vậy, giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh này đều có sự giao thoa và liên kết chặt chẽ về nhiều mặt phát triển kinh tế - xã hội...
Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các tỉnh này cần chú trọng "mối liên kết vùng" trong phòng chống dịch Covid-19.
Phát triển mối liên kết vùng kinh tế trọng điểm
Theo thống kê, năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của toàn “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” chiếm tỷ trọng 45% GDP của cả nước. Riêng quy mô GRDP của vùng “Tứ giác kinh tế Đông Nam bộ” là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu chiếm 87% GRDP của “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. TP Hồ Chí Minh với vai trò là hạt nhân của “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” đã đóng góp hơn 49% GRDP vùng và gần 23% giá trị GDP của cả nước nhờ sự năng động sáng tạo và phát huy giá trị liên kết vùng.
Trong quá trình phát triển và hội nhập, TP Hồ Chí Minh là hạt nhân của “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Nhiều năm qua, doanh nghiệp FDI và cả doanh nghiệp trong nước tập trung đầu tư tại “Vùng kinh tế kinh tế trọng điểm phía Nam” nói chung và vùng “Tứ giác kinh tế Đông Nam bộ” nói riêng. Đây cũng là “đầu tàu” trong xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam. Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh là những địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định qua nhiều năm.
Vùng “Tứ giá kinh tế Đông Nam Bộ” còn là nơi tập trung số lượng các khu công nghiệp lớn và thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của cả nước. Tại đây có Khu công nghệ cao, 2 khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung, Công viên phần mềm Quang Trung và hàng chục khu công nghiệp khác...
Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HEPZA), hiện có hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao ở TP Hồ Chí Minh đang sinh sống và cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Số lao động này hàng ngày di chuyển đến các khu chế xuất, khu công nghiệp: Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam thuộc TP Hồ Chí Minh để làm việc.
Cùng với đó, có cả vạn chuyên gia quản lý, lao động kỹ thuật bậc cao hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh nhưng đang làm việc tại Đồng Nai. Đồng thời, có rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua Cụm cảng Cái Mép Thị Vải, hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp thuộc TP Hồ Chí Minh.
Có thể thấy rằng, với vai trò là “hạt nhân” của vùng “Tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ” nói riêng và “Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam” nói chung, trong phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò quan trọng, là nơi gắn kết và tiêu thụ lớn nhất khối lượng hàng hóa sản xuất từ các tỉnh, thành phố khác...
Nguy cơ làm gãy đứt chuỗi cung ứng sản xuất
Vừa qua, ngày 4/6/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản hỏa tốc số 6180/UBND-KGVX. Theo đó kể từ 0 giờ ngày 5/6/2021, tỉnh Đồng Nai sẽ áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đối với tất cả những người dân từ TP Hồ Chí Minh đến Đồng Nai. Người từ TP Hồ Chí Minh đến Đồng Nai sẽ bị cách ly 21 ngày tính từ ngày rời khỏi TP Hồ Chí Minh và phải tự trả chi phí trong thời gian thực hiện cách ly.
Ngay trong chiều 4/6/2021, HEPZA đã gửi công văn hỏa tốc để ''cầu cứu'' UBND TP Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện công văn số 6180/UBND-KGVX do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành.
HEPZA cho rằng, việc thực hiện các nội dung nêu tại công văn số 6180/UBND-KGVX của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp. Việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động sẽ gặp khó khăn, khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp-khu chế xuất thuộc TP Hồ Chí Minh.
Đó là biểu hiện của việc “ngăn sông cấm chợ” trong vùng “Tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ”. HEPZA đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét và có ý kiến với UBND tỉnh Đồng Nai để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên.
Phải nhìn nhận rằng, với quyết định bất ngờ trên của tỉnh Đồng Nai đã dẫn đến sự hoang mang trong xã hội, gây nguy cơ xáo trộn các hoạt động kinh tế - xã hội rộng lớn. Đặc biệt, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có mối quan hệ lao động sản xuất giữa TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai cho biết rất may khi Đồng Nai kịp thời ra văn bản mới giải tỏa việc đi lại cho người dân giữa hai địa phương này, nên đã tránh được những ảnh hưởng và thiệt hại lớn về mặt kinh tế...
Để tránh những quyết định vội vàng chống dịch gây ách tắc và dẫn đến “nguy cơ làm gãy đứt chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn”, ngày 5/6/2021 Thủ tướng Chính phủ có Công điện về áp dụng biện pháp phòng, chống Covid-19 và phát triển kinh tế thực hiện “mục tiêu kép”. Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Một số địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách để chống dịch Covid-19. Các địa phương khác cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát người về từ vùng dịch. Tuy nhiên, một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, gây nguy cơ làm gãy đứt chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn”.
Do vậy trước khi đưa ra quy định quan trọng “chống gặc dịch Covid-19” thì các cơ quan chức năng, địa phương cần bàn bạc thấu đáo và có giải pháp cẩn trọng để đảm bảo vừa phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Chứ không nên vì lo lắng thái quá mà các địa phương đưa ra quyết định làm “ngăn sông cấm chợ” dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy mối liên kết vùng “Tứ giác kinh tế Đông Nam bộ” nói riêng và “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” nói chung .
Để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, hơn lúc nào hết các địa phương cần có sự cẩn trọng bàn bạc, đồng thuận, phối hợp nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống giặc dịch bệnh vừa phát triển sản xuất.