Cần chú ý khi lượng cholesterol trong máu thấp
Cholesterol được gọi là thấp khi nồng độ cholesterol toàn phần trong máu dưới 160mg%.
Cho đến hôm nay chưa thấy có đối tượng đặc biệt nào dễ bị cholesterol thấp, tuy nhiên hiện tượng này thường xảy ra ở những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, hội chứng cường giáp và rối loạn do di truyền.
Những câu hỏi thường gặp
Cholesterol thấp có nguy hiểm không thưa bác sĩ? Đó là một trong những câu hỏi thường gặp trong phòng khám y khoa. Cholesterol là một loại mỡ rất cần thiết cho cơ thể, nó là thành phần không thể thiếu của màng tế bào đặc biệt là tế bào thần kinh và tế bào sinh dục.
Những người có mức cholesterol cao thường không có triệu chứng nào xuất hiện cho đến khi cơn đau tim hoặc đột quỵ xảy ra. Điều này sẽ không xảy ra đối với người có chỉ số cholesterol thấp. Thay vào đó, triệu chứng của bệnh trầm cảm và lo lắng có thể là dấu hiệu để nhận biết mức cholesterol trong máu đang thấp.
Thực ra khi lượng cholesterol giảm thì chưa có biểu hiện gì nguy hiểm ngay cho cơ thể, chỉ khi cholesterol thấp kéo dài mới có một số nguy hiểm cho cơ thể như rối loạn hoạt động của tế bào đặc biệt là tế bào thần kinh và sinh dục, khả năng gây ra các chủng loại ung thư như ung thư trực tràng, gan, tụy, thận và bàng quang. Nhiều nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy nồng độ cholesterol càng thấp thì tỷ lệ tử vong do các bệnh không phải tim mạch càng cao.
Vậy người bị cholesterol thấp có cần uống thuốc hay điều trị gì không?
Việc người bệnh bị cholesterol thấp có cần uống thuốc điều trị hay không thì cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào có giá trị khoa học nghiên cứu về vấn đề này cả và cũng cho đến bây giờ thì chưa có loại thuốc nào có thể tăng cholesterol toàn phần, chỉ có các loại statin có thể gia tăng
cholesterol có lợi (HDL) mà thôi. Tốt nhất vẫn là tập thể dục đều đặn mỗi ngày có thể làm gia tăng HDL cholesterol.
Phụ nữ mang thai bị cholesterol thấp có thể điều trị ra sao thưa bác sĩ?
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy một số phụ nữ mang thai có nồng độ cholesterol thấp dễ xảy ra hiện tượng đẻ non, thậm chí cholesterol thấp còn liên quan đến lo lắng và trầm cảm. Tuy vậy, việc điều trị cũng chưa đặt ra trong thực hành Y khoa hàng ngày. Tốt nhất vẫn là tập thể dục đều đặn.
Cách nâng mức cholesterol lên
Các chuyên gia sức khỏe cho biết tập thể dục có tác dụng giúp LDL và tăng HDL một cách tự nhiên. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Lipid Research cho thấy tập thể dục có thể ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào chủng tộc và giới tính của bệnh nhân. Trong số những người tham gia nghiên cứu, những người được theo dõi hơn 9 năm có thói quen hoạt động thể chất tương đương với một giờ tập thể dục nhẹ hoặc nửa giờ vận động vừa phải mỗi tuần, cho thấy có liên quan đến sự gia tăng nồng độ cholesterol HDL và giảm cholesterol LDL.
Nếu nghi ngờ bản thân có mức cholesterol giảm xuống thấp hoặc gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, bạn hãy đến khám tại các cơ sở y tế. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm máu và đưa ra kết luận chính xác nhất đối với tình trạng của bạn.
Mặc dù khó có thể làm tăng chỉ số cholesterol theo như mong muốn, nhưng chúng ta có thể duy trì được cholesterol ở mức ổn định bằng cách điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống. Dưới đây là một vài biện pháp có thể giúp ích:
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa để cắt giảm lượng chất béo bão hòa; tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ và axit béo omega-3 như cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá trích, quả óc chó, rau xanh và các loại hoa quả…
Cần duy trì cân nặng ở một mức độ hợp lý có thể giúp tăng lượng HDL cho cơ thể và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Mỗi ngày uống một lượng vừa phải rượu vang trắng đã được chứng minh là có thể làm tăng mức độ HDL. Tuy nhiên, như đã nói là phải uống mức độ vừa phải.
Ngừng hút thuốc lá sẽ cải thiện được mức HDL trong máu, đồng thời chức năng phổi, huyết áp, nhịp tim cũng được cải thiện.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-chu-y-khi-luong-cholesterol-trong-mau-thap.html