Cần chuẩn xác hộ nghèo

Trong một cuộc họp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân đã nêu lên một vấn đề đáng chú ý liên quan đến việc rà soát, đánh giá hộ nghèo, đó là: 'Không có chuyện hộ gia đình có nhà, có trâu, bò, có xe, điều kiện kinh tế tốt nhưng vì thiếu mỗi cái ti vi lại đưa vào diện hộ nghèo.

Đây là đánh giá không thực chất nên cần dựa vào các tiêu chí theo quy định để lọc ra những hộ nghèo thật sự, nhằm có chính sách tác động một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tuyệt đối không lợi dụng chính sách ưu việt của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo để trục lợi”.

Đây là vấn đề cần quan tâm. Bởi, việc rà soát, đánh giá, phân loại hộ nghèo và nguyên nhân nghèo do đâu là vấn đề đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở để tỉnh có những chủ trương, chính sách giảm nghèo đúng, trúng và bền vững.
Thời gian qua, công tác rà soát, xác định các hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước đâu đó vẫn còn tồn tại bất cập, khiến người dân chưa đồng thuận, khi có những hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá nhưng vẫn được xếp vào diện hộ nghèo, cận nghèo và vẫn được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chính việc đánh giá chưa thực chất này không chỉ gây “thất thoát” ngân sách khi “chi không đúng chỗ” mà còn làm cho công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp nhiều khó khăn.

Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ với nhiều quy định chặt chẽ hơn như hộ nghèo phải là hộ có thu nhập bằng hoặc dưới 1,5 triệu đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và có thu nhập bằng hoặc dưới 2 triệu đồng/tháng ở khu vực thành thị. Đồng thời, quy định chi tiết về mức độ tiếp cận 6 dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin) và 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Dựa vào các quy định này, các địa phương sẽ cho ra các “thang điểm” để đánh giá chuẩn xác từng hộ dân thuộc diện hộ nghèo.

Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự công tâm và trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá hộ nghèo. Bởi, chỉ cần thiếu trách nhiệm, làm việc không nghiêm túc thì chắc chắn sẽ có những “hộ nghèo không thực chất” hay nói đúng hơn là biến những hộ có kinh tế khá trở thành hộ nghèo dẫn tới kết quả rà soát hộ nghèo không chuẩn xác.

Thậm chí, nói như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân là khi đã xác định hộ nghèo rồi thì càng cần phải phân loại rõ hộ nghèo do đâu mà nghèo, do thiếu công cụ lao động sản xuất, thiếu tư liệu sản xuất, không có đất sản xuất, không có lao động, hay nghèo vì thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội để từ đó có những giải pháp phù hợp chứ không thể có một giải pháp chung cho tất cả các đối tượng.

Do vậy, nếu việc đánh giá hộ nghèo và phân loại hộ nghèo không chuẩn xác thì sẽ gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo của tỉnh. Trong các định hướng lớn và mới của Nhà nước, kể cả của tỉnh là sẽ giảm dần các chính sách theo kiểu “cho không”, tăng dần sự chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân, tránh cho hộ nghèo có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Song, để làm được việc này thì điều quan trọng nhất cần nhắc lại là phải đánh giá chuẩn xác hộ nghèo, không để sai sót và đánh giá sai.

MINH HUY

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/thoi-su/su-kien-binh-luan/202405/can-chuan-xac-ho-ngheo-95f1aaa/